Nhóm G7 ủng hộ chính sách của EU đối với tài sản Nga bị phong tỏa

Các Bộ trưởng Tài chính Nhóm (G7) ủng hộ kế hoạch của EU trong sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tiến hành phong tỏa số tài sản Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD ngay sau khi quốc gia này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2-2022. Kể từ thời điểm đó, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên G7 đã tranh luận về việc liệu có nên sử dụng số tài sản này để hỗ trợ Ukraine hay không.

Theo Reuters, Mỹ đề xuất tịch thu toàn bộ tài sản Nga bị phong tỏa, nhưng EU vẫn dè dặt vì lo ngại những rủi ro đối với đồng euro và rắc rối về mặt pháp lý. Trước sự phản đối của châu Âu, Mỹ gần đây đã nêu ý tưởng thế chấp số tài sản này để cung cấp các khoản vay cho Ukraine.

Nhóm G7 ủng hộ quan điểm của EU đối với tài sản Nga bị phong tỏa. Ảnh: Reuters

Nhóm G7 ủng hộ quan điểm của EU đối với tài sản Nga bị phong tỏa. Ảnh: Reuters

Một quan chức Bộ Tài chính Italia tiết lộ, các Bộ trưởng Tài chính G7 ủng hộ EU sử dụng lợi nhuận phát sinh từ tài sản Nga bị phong tỏa nhằm mục đích mang lại lợi ích cho Ukraine. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G7 trong hai ngày 24 và 25-5, tại khu nghỉ dưỡng Stresa ở phía Bắc Italia.

Nội dung thảo thuận sẽ tập trung vào việc sử dụng lợi nhuận của tài sản Nga bị phong tỏa thay vì chính số tài sản này. Mọi quyết định liên quan đều phải nhận được sự ủng hộ từ EU và dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc.

Liên quan vấn đề này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, hệ thống tiền tệ toàn cầu có nguy cơ suy yếu nếu phương Tây tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa hoặc sử dụng lợi nhuận từ số tài sản này để hỗ trợ Ukraine.

“Điều quan trọng là mọi động thái đều phải có cơ sở pháp lý đầy đủ và không làm suy yếu chức năng của hệ thống tiền tệ quốc tế”, Russia Today dẫn tuyên bố của người phát ngôn của IMF Julie Kozack.

Nga đã nhiều lần tuyên bố, việc tịch thu hoặc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của quốc gia này sẽ làm suy yếu thêm niềm tin toàn cầu đối với hệ thống tài chính phương Tây. Mátxcơva cũng cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa nếu viễn cảnh này thành hiện thực.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhom-g7-ung-ho-chinh-sach-cua-eu-doi-voi-tai-san-nga-bi-phong-toa-666580.html