Nhận thức đúng, hành động thiết thực
Trước diễn biến ngày càng khó lường của dịch Covid-19 ở trong và ngoài nước, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và cơ quan chuyên môn, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức phòng bệnh cần thiết.
Không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, tiếp nhận thông tin có chọn lọc, thực hiện tốt biện pháp phòng dịch là cách giúp mọi người vượt qua mùa dịch an toàn.
Rửa tay đúng cách với xà phòng liên tục là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng chống Covid-19.
Hiểu rõ những việc cần làm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền ngay trong thời gian ủ bệnh, nghĩa là lây trong giai đoạn người bệnh không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như mỏi cơ, sốt nhẹ, ho. Bởi vậy, rất khó kiểm soát nguồn lây một cách triệt để.
Hiểu rõ mối nguy hiểm nói trên, người dân sẽ ý thức tốt hơn về sự cần thiết thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách chủ động. Hiện nay, WHO khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn, tránh tiếp xúc với đám đông. Khi rửa tay, tuyệt đối không rửa qua loa mà phải chà xát, kỳ cọ ít nhất 30 giây dưới vòi nước để dịch tiết bám trên tay được loại bỏ hoàn toàn.
Việc vệ sinh tay đúng cách, thường xuyên là cần thiết, bởi theo phản xạ, thường cứ 10 phút/lần là chúng ta có thể đưa tay lên mồm, mũi, mắt... Chúng ta cần vệ sinh tay nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; trước, trong và sau khi đi xe buýt; khi chạm vào đồ vật, dụng cụ dùng chung ở nơi công cộng... Hạn chế tối đa việc dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng.
Ngoài ra, do vi rút SARS-CoV-2 nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, gió nên việc mở cửa sổ, không dùng điều hòa, tạo không khí thông thoáng cũng là biện pháp phòng bệnh tốt.
Đeo khẩu trang, dù là điều cần thiết để phòng bệnh, đặc biệt là khi tới những nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh... nhưng đó không phải là việc cần làm ở mọi lúc, mọi nơi. Khi ở trong điều kiện tự nhiên thoáng khí, môi trường không có nguy cơ và không tiếp xúc trực tiếp với ai trong phạm vi hẹp thì người dân không nhất thiết phải dùng khẩu trang. Hơn nữa, việc đeo khẩu trang phải được thực hiện đúng cách - như khuyến cáo của ngành Y tế.
Thận trọng trước thông tin về các bài thuốc chữa bệnh
Hiện nay nhiều người truyền tai nhau phương pháp đốt bồ kết ở nhà, bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang diệt được vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Về vấn đề này, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống Covid-19 theo các phương pháp này. Ngoài ra, những kinh nghiệm dân gian của ông cha ngày xưa như đốt bồ kết, ăn tỏi, bôi dầu tràm... giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do vi rút chứ không có bằng chứng khoa học là có thể diệt được Covid-19. Nếu không có nguy cơ nhiễm, phơi nhiễm với người nhiễm, mọi biện pháp chỉ nhằm tăng sức đề kháng với Covid-19. Còn theo PGS.TS Phạm Như Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội): Việc đốt bồ kết giúp làm ấm không khí, ngăn cản vi rút, ngậm muối để bảo vệ niêm mạc tại chỗ. Cũng theo kinh nghiệm dân gian, uống nước gừng, quất mật ong, cánh hoa hồng... để bảo vệ niêm mạc, đỡ kích thích niêm mạc. Những phương pháp này đều giúp tăng sức đề kháng chứ không có bằng chứng có thể diệt được Covid-19.
Đặc biệt, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về nhiều bài thuốc chữa bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu đối với loại vi rút này, và bởi vậy, những thông tin nói trên là không có cơ sở. Việc điều trị bệnh hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên nguyên tắc cơ bản: Điều trị triệu chứng; bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng nước, điện giải; theo dõi thật sát diễn biến, độ bão hòa ô xy trong máu...
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đưa ra lời khuyên rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là mọi người nên giữ bình tĩnh, cảnh giác, không lơ là nhưng tránh hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả (fake news) trên mạng xã hội. Người lo lắng thái quá hoặc sợ hãi thì càng có xu hướng tìm kiếm thông tin tiêu cực, dễ vướng vào ma trận của fake news, dẫn đến hành động thiếu suy xét thấu đáo.
Quan điểm của Chính phủ là Việt Nam không che giấu bất kỳ thông tin nào về tình hình dịch bệnh. Khi có các ca bệnh, Bộ Y tế sẽ thông tin đầy đủ để người dân biết. Để kiểm soát dịch Covid-19, Chính phủ và các ngành, địa phương đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn thời kỳ chống dịch SARS vào năm 2003.
Chúng ta cần phải bình tĩnh, thực hiện chính xác chỉ dẫn của Chính phủ và cơ quan chuyên môn, đồng thời chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng hành động thiết thực. Chẳng hạn như các gia đình có người thân từ nước ngoài về nước thì cần minh bạch thông tin để cơ quan chuyên môn rõ, áp dụng biện pháp phòng dịch hiệu quả. Những người về từ vùng có dịch cần thông báo rõ, tự nguyện thực hành cách ly hoặc tự cách ly theo yêu cầu, tuyệt đối không trốn tránh để rồi gây họa cho bản thân, gia đình và cộng đồng...
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/960926/nhan-thuc-dung-hanh-dong-thiet-thuc