Nhạc sĩ Văn Cao góp phần làm nên những giá trị bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Văn Cao (1923-1995) là một tác giả quan trọng trong lịch sử văn hóa hiện đại Việt Nam, không chỉ do vị thế tác giả của bản Quốc ca mà còn vì những suy tư về nghệ thuật được ông theo đuổi trong sự nghiệp.

Sự lãng mạn thuần thành

Văn Cao thuộc về thế hệ những người sinh vào thập niên 1920, bước vào tuổi thanh niên trong cao trào giải phóng dân tộc thập niên 1940. Đây là thế hệ tiếp nối thế hệ tiền chiến vốn đã định hình trong phong trào văn học nghệ thuật thập niên 1930 như Thơ mới và văn xuôi hiện đại. Thế hệ mới này có thể gọi tên bằng thuật ngữ thế hệ 1920 hay thế hệ cách mạng, là thế hệ mà có nhà thơ từng nhận định là “chôn" thơ tiền chiến”. Họ là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa Á-Âu, diễn ra trong sự biến động của thời thuộc địa. Sự giao lưu này dưới định đề của tư tưởng Khai sáng và nhất là các tư tưởng của Cách mạng Pháp năm 1789, đem lại những cách nghĩ mới trong ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và ý niệm về quốc gia, dân tộc. Những điều này sẽ tạo nên cảm hứng và chất liệu trong các sáng tác thời kỳ đầu của Văn Cao, kéo dài nhiều thập niên, để rồi định vị một phong cách trữ tình riêng biệt.

Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 không chỉ đem lại sự trỗi dậy ý niệm quốc gia, dân tộc và khát vọng tập hợp lực lượng mà còn khởi sự cho chủ nghĩa lãng mạn, kéo theo tình tự yêu nước bên cạnh cái tôi trữ tình riêng tư. Những năm của thập niên 1940, các thế hệ thanh niên người Việt tiếp thu những tư tưởng này, khi nhận thức về vị thế dân tộc mình, đã tạo ra một diễn đàn tạo sinh các sản phẩm kiến tạo nên một cộng đồng văn hóa mang tính giải thuộc địa. Một trong những dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa lứa thanh niên mới là phong trào viết bài hát chủ đề "thanh niên-lịch sử” (thuật ngữ do nhạc sĩ Lê Thương tổng kết), hô ứng với các hoạt động tìm về nguồn cội của sinh viên, học sinh trường đại học Đông Dương và các trường trung học, với nòng cốt là những nhóm phái, tráng đoàn hướng đạo.

Trình diễn ca khúc "Tiến về Hà Nội" trong Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, tháng 8-2023. Ảnh: THỐNG NHẤT

Trình diễn ca khúc "Tiến về Hà Nội" trong Chương trình nghệ thuật "Đàn chim Việt" nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, tháng 8-2023. Ảnh: THỐNG NHẤT

Khi học Trường Bonnal ở Hải Phòng, Văn Cao bắt đầu sáng tác thơ và viết những bài hát cho hoạt động hướng đạo của tráng đoàn Bạch Đằng và nhóm âm nhạc Đồng Vọng do Hoàng Quý dẫn dắt. Những bài hát đầu tiên của Văn Cao ra đời vào thời điểm 1939, và ngay sau đó, tác giả trẻ này mau chóng xác lập một phong cách thẩm mỹ trong giai đoạn rất ngắn từ 1940 đến 1943. Đây cũng là giai đoạn chàng thanh niên Văn Cao lên Hà Nội theo học chương trình dự thính của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong năm 1942-1943. Đối với mảng sáng tác ca khúc giai đoạn này, Văn Cao cho ra đời 7 ca khúc phong cách trữ tình và khoảng 5-6 ca khúc chủ đề “thanh niên-lịch sử”, khi tuổi đời còn rất trẻ, trên dưới đôi mươi, nhìn chung đều thể hiện sự gắn kết với vốn văn hóa truyền thống đậm nét.

Số lượng ca khúc không nhiều, song tác giả đã kịp ký một cái tên Văn Cao riêng biệt. Các bài hát như: “Buồn tàn thu” (1939), “Thiên thai” (1941), “Cung đàn xưa”, “Trương Chi” (1942), “Suối mơ”, “Bến xuân” (1943), song song với chùm hành khúc “Hò kéo gỗ Bạch Đằng giang” (1941), “Thăng Long hành khúc ca” (1942), “Gò Đống Đa” (1943), là những thành tựu được ghi nhận như những tác phẩm tiêu biểu của dòng tân nhạc lãng mạn Việt Nam.

Tuy vậy, chúng chỉ được phổ biến từ sau Cách mạng Tháng Tám, do sự quan tâm của công chúng đối với một tác giả bắt kịp dòng chảy cách mạng, nhất là các bài hành khúc yêu nước trong cao trào cách mạng như “Tiến quân ca” (1944) và những bài hát về các lực lượng vũ trang dù tất cả đều bằng sự tưởng tượng khoáng đạt của tác giả trẻ 22 tuổi, đó là: “Chiến sĩ Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” (1945).

Sự lãng mạn được trải rộng từ cái tôi cô lẻ của thời tiền cách mạng đến tâm thức viễn kiến một quốc gia độc lập. Không hẹn mà nên, hầu hết các bài ca đều gợi ra sự kết nối truyền thống từ những hình tượng cổ điển như người chinh phu ra trận, tráng sĩ lên đường, người chinh phụ đan áo chờ chồng, người nghệ sĩ và trí thức phiêu bạt tìm cái đẹp tuyệt bích, hay những tích truyện, điển cố phương Đông... Chúng cũng dào dạt một tâm sự về thế giới đại đồng, nơi con người Việt Nam được hiện diện với tư cách thành viên một khối tập thể “chung lòng cứu quốc... dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than” (Tiến quân ca), và tiến tới “cùng sống tập đoàn toàn thế giới công khai, cùng kiến thiết xã hội ngày mai” (Công nhân Việt Nam, 1945). Sự lãng mạn còn kéo dài suốt thời kháng chiến, qua vẻ đẹp một dòng sông kháng chiến tráng lệ “thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu” (Trường ca sông Lô, 1947) đến hình dung về ngày chiến thắng trở về: “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây... Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu” (Tiến về Hà Nội, 1949). Văn Cao thực sự là một nhà lãng mạn chủ nghĩa thuần thành, ngay cả trong những khúc hùng ca.

Tiếng kêu của một khúc thép đỏ

Văn Cao không chỉ dừng lại ở cảm hứng lãng mạn bằng những vẻ đẹp giai điệu và ca từ thuần túy. Điều khiến Văn Cao tạo ra sự đột phá trong số lượng trước tác không nhiều là nhờ chiều sâu tư tưởng ông tạo lập. Ngay từ những sáng tác ban đầu, Văn Cao đã đề cập tới ám ảnh về thiên chức sáng tạo: “Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian. Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần... Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về, tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?” (Thiên thai); “Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta... Đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau, đôi lứa bên giang đầu...” (Trương Chi)... Những suy tư về cội nguồn, về đoàn kết tập thể khắc họa rõ nét như: “Anh em khá cầm tay, mau đến cùng nhau hát nhé” (Anh em khá cầm tay); “Cùng nhau chung hết lòng... Anh em ta hò dô gây sức hùng Bạch Đằng giang” (Hò kéo gỗ Bạch Đằng giang) hay một đám đông tầm vóc quốc gia: “Cùng thăm nơi xưa ai là người không bái sùng... Ngày ngàn quân Thanh chết, dưới toán quân Việt Nam... máu đào đồng bào kết hòa thành màu quốc kỳ” (Gò Đống Đa)...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm đầu sau ngày trở về Hà Nội, Văn Cao có nhiều suy tư về công việc sáng tạo. Thời kỳ này, Văn Cao không dừng lại ở phạm vi người sáng tác thuần túy mà hướng tới mẫu hình một nghệ sĩ tạo lập tư tưởng, luôn thôi thúc khai phá.

Trong khoảng 20 năm, chứng kiến sự biến động và trầm lắng trong sáng tác của Văn Cao, chứa đựng những suy tư dồn trong thơ: “Những mái nhà ủ những cánh chim đêm/ Ủ những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng” (Năm buổi sáng không có trong sự thật, 1960). Cho đến khi trở lại với không gian công cộng của đại chúng cuối thập niên 1980, Văn Cao chấm phá những nét bậc thầy trong ngôn ngữ suy tư, vẫn thiên về tinh hơn là lượng, tự tin khẳng định: “Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh...” (Thời gian, 1987) và dịu dàng thốt lên những nỗi xúc động của ngày hòa bình mà không phải hô khẩu hiệu: “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết yêu người” (Mùa xuân đầu tiên, 1976).

Văn Cao, con người đã đi qua những thập niên biến động, gắn với sự kiến tạo không gian truyền thông một nước Việt Nam độc lập, được nhiều thế hệ yêu mến gọi là “một thời Văn Cao” (chữ của dịch giả Cao Nhị), đã tự sự về tiếng nói của mình-“Tiếng kêu ở trong tôi/ Có xót xa có cả vui mừng/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước...” (Cạn). Những câu thơ, những bài ca, những suy tư của Văn Cao chính là tiếng khúc thép đỏ trước khi rắn chắc lại, chịu được muôn vàn ngoại lực va đập của cuộc đời.

Nhà văn NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nhac-si-van-cao-gop-phan-lam-nen-nhung-gia-tri-bat-hu-cua-nen-am-nhac-cach-mang-viet-nam-750701