Nhà Trắng đang 'xem xét lại' vấn đề liên quan đến LNG có thể khiến lãnh đạo châu Âu 'đau đầu'
Mới đây, Nhà Trắng cho biết đang xem xét lại cách cấp phép xuất khẩu khí đốt, do áp lực từ các nhà bảo vệ môi trường. Hành động này khiến ngành năng lượng vốn mong manh của châu Âu lo sợ.
Trước đó, nhờ tăng cường khai thác ở Vịnh Mexico và bờ Đại Tây Dương, Mỹ vượt Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng trở thành nguồn cung quan trọng cho châu Âu khi khu vực tìm cách giảm lượng tiêu thụ khí đốt Nga.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, 5 dự án đang được xây dựng sẽ giúp tăng gấp đôi lượng LNG của Mỹ vào năm 2026, được khai thác ở vùng biển phía Nam các bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida. Tuy nhiên, các dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD trở thành mục tiêu chỉ trích của các nhà hoạt động khí hậu, vì cho rằng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.
Sự chỉ trích này diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Joe Biden đang chạy đua để tái tranh cử chức Tổng thống Mỹ trong năm nay.
Vì vậy, công ty tư vấn Rapidan Energy Group dự báo, chính quyền Mỹ khó có thể cấp bất kỳ giấy phép xuất khẩu LNG mới nào trước cuộc bầu cử.
Điều này có nguy cơ làm đình trệ các dự án mà châu Âu đang phụ thuộc vào để đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu lục trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Politico nhận định: "Diễn biến trên là ví dụ mới nhất về việc các ưu tiên chính sách của Mỹ - trong trường hợp này là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu".
Kể từ tháng 1/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ vào châu Âu đã tăng khoảng 8,7% mỗi tháng, giúp khu vực này "dễ thở" hơn khi giảm mạnh nhập khẩu khí đốt Nga.
Nếu không có LNG của Mỹ, khả năng ủng hộ chính trị của châu Âu dành cho Ukraine có thể đã giảm sút khi người dân nước này chật vật vì thiếu điện.
Ông Tom Marzec-Manser, Trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty thông tin hàng hóa ICIS nhận định, để vượt qua 2 năm sau khi Nga cắt cung cấp khí đốt, châu Âu đã phải cắt giảm tiêu thụ và chuyển qua mua LNG, phần lớn là của Mỹ.
Nước này cung cấp gần 20% tổng lượng khí đốt cho EU và Anh năm qua, tăng từ mức 5% hồi năm 2021.
"Đây là mức tăng trưởng lớn", ông Tom Marzec-Manser nhận xét.