Nhà ở xã hội: giám sát tới đâu?
Thời gian qua, các Đoàn công tác của Đoàn giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023' đã tiến hành làm việc với các địa phương.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 7, Đoàn giám sát sẽ làm việc với 8 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và giám sát trực tiếp tại 12 địa phương. Đầu tháng 8, Đoàn làm việc với Chính phủ để thống nhất nội dung của báo cáo giám sát. Dự thảo báo cáo giám sát sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8, sau đó tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10.2024.
Liên quan đến nhà ở xã hội, phản ánh của địa phương với các Đoàn công tác cho thấy nguồn cung rất ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội có thể chia thành 3 nhóm chính: thiếu vốn; chính sách chồng chéo, không phù hợp và thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian.
Xét trong phạm vi thời gian của cuộc giám sát - là từ năm 2015 đến năm 2023 thì đây đúng là những chướng ngại vật lớn, cản trở tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc về chính sách, thủ tục đã được tháo gỡ trong Luật Nhà ở năm 2023.
Ví dụ, trước đây, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội dẫn tới thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án thì nay, Luật Nhà ở năm 2023 đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Trước đây, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm các thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để được miễn. Điều này làm phát sinh thủ tục và doanh nghiệp phải mất 1 - 2 năm để thực hiện. Nay, theo Luật Nhà ở năm 2023, doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất được miễn nữa.
Hoặc, trước đây, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dù thuê hay mua, cũng phải bảo đảm đủ 3 điều kiện: chưa có nhà ở; cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội; thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nay, Luật Nhà ở năm 2023 đã bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp mua thì chỉ cần điều kiện về nhà ở và thu nhập. Trường hợp thuê thì chỉ cần đúng đối tượng, không phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập.
Cũng theo Luật Nhà ở năm 2023, chủ đầu tư nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với trước, như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Chủ đầu tư cũng không bị bắt buộc phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội; thay vào đó, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định nghĩa vụ của chủ đầu tư tùy điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, Luật hoàn thiện hơn việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bảo đảm đồng bộ với pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu; quy định cụ thể phương pháp, thời điểm xác định giá bán, cho thuê mua, cho thuê.
Đến tháng 8 tới đây, Luật Nhà ở năm 2023 mới có hiệu lực thi hành. Các văn bản hướng dẫn, bao gồm Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cũng sẽ được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm. Trong khi đó, về thời gian, phạm vi chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội là từ năm 2015 đến năm 2023 và tới tháng 10.2024, Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo giám sát này.
Dù vậy, sẽ là rất hữu ích nếu Đoàn giám sát của Quốc hội mở rộng đánh giá, liên hệ tới các chính sách về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này sẽ góp phần đưa các chính sách, thủ tục thuận lợi hơn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người thụ hưởng trong Luật Nhà ở năm 2023 nhanh chóng đi vào cuộc sống; tránh trường hợp luật cởi mở, thông thoáng nhưng Nghị định, Thông tư lại siết, lại đặt ra các điều kiện không cần thiết.
Hơn nữa, rất có thể vẫn còn những vướng mắc pháp lý đối với nhà ở xã hội chưa được giải quyết triệt để trong Luật Nhà ở năm 2023 hoặc phát sinh trong thời gian ngắn triển khai Luật này và Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Nếu phạm vi giám sát được mở rộng, chắc chắn, Đoàn giám sát sẽ có cái nhìn toàn diện, cập nhật hơn nữa về chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội; từ đó có những đề xuất chính sách đúng trọng tâm, có giá trị trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp của người dân.