Nhà báo Xích Lô: Tôi chỉ là người tiếp nối, lan tỏa thêm nhiều câu chuyện tử tế

Nhiều năm qua, bút danh 'Xích Lô' với mảng đề tài nông nghiệp – nông dân- nông thôn đã trở nên quen thuộc trên các trang báo. Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết bản thân ông chưa được đào tạo qua trường lớp báo chí chính quy, nhưng ông đã thích và viết báo với bút danh Xích Lô.

Những bài viết là sự trải nghiệm thực tế, những đề tài gần gũi với người dân được thể hiện dưới dạng những “câu chuyện”, vừa gần gũi vừa sâu sắc, với cách dẫn giải hấp dẫn và giàu sức thuyết phục.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong một chuyến đi thực tế với đồng ruộng, bà con nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong một chuyến đi thực tế với đồng ruộng, bà con nông dân.

Bút danh “Xích Lô” in trên các mặt báo, tạp chí từ khi ông còn là Bí thư tỉnh ủy đất Sen Hồng – Đồng Tháp. Đây cũng là kiểu chơi chữ của ông Lê Minh Hoan. Ông giải thích Xích Lô là cách đọc trại của “six lotus”. Ông Lê Minh Hoan mà người quen thường gọi là ông 6 Hoan, là người con thứ 6 trong gia đình, sinh ra và gắn bó với xứ sở đất Sen Hồng.

Ông Lê Minh Hoan tâm sự, từ khi còn công tác tại Đồng Tháp và hiện nay là “Tư lệnh” ngành nông nghiệp, mỗi khi nhìn thấy bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống còn nhiều vấn đề đặt ra, ông đều chọn góc độ tiếp cận để viết nên những câu chuyện, bài báo thật sự nhẹ nhàng, sinh động, gần gũi với mọi người. Đã ngoài 30 năm nay, ông đã trở thành cộng tác viên cho nhiều tờ báo, tạp chí.

Trong số hàng trăm câu chuyện, tác phẩm báo chí của mình, ông 6 Hoan viết rất nhiều về mảng đề tài nông nghiệp, nông thôn và người nông dân. Những bài báo thể hiện tầm quan sát, cách nhìn nhận vấn đề từ thực tiễn, gần gũi, thấu hiểu tâm tư của người dân.

" Nông nghiệp bây giờ không phải là ngành kỹ thuật nữa. Nó là văn hóa, là xã hội, là cộng đồng. Là cái để các nhà báo khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Chứ chúng ta cứ được mùa mất giá, thương lái ép giá v.v.. rồi lại không tìm thấy đường ra. Tôi hay nói vui nếu tui làm phóng viên thì tui viết nhanh lắm. Hễ giá đang lên thì đã chuẩn bị bài giá xuống rồi. Hoặc giá xuống thì sau đó sẽ lên giá. Bởi vì quy luật là vậy"- ông Hoan tâm sự.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời báo chí những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của nông nghiệp – nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời báo chí những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của nông nghiệp – nông thôn.

“Nhà báo” với bút danh Xích Lô tâm sự, mỗi lần đặt bút viết, ông luôn đứng ở vị thế của người nông dân, nắm bắt cảm xúc của họ và đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao”. Để từ đó những chuyến công tác, thực tế cuộc sống đã thôi thúc ông có thêm mạch cảm xúc để hình thành những bài viết ngay trên những chuyến xe, chuyến bay.

Ông 6 Hoan cho biết, báo chí truyền thông hoàn toàn có thể phản ánh, đó là hiện thực khách quan. Nhưng khi đặt bút viết làm sao để khơi gợi, chuyển tải được năng lượng tích cực trong mỗi con người để qua đó, bà con nông dân mình thấy rằng trong cái khó, điểm nghẽn vẫn tin tưởng thấy được hướng giải pháp, lối ra. Ông cho rằng muốn thay đổi nền nông nghiệp phải làm sao giúp cho người nông dân thay đổi trước.

"Trước giờ chúng ta nói nhiều về hạt gạo nhưng nói chưa nhiều về người trồng lúa. Chúng ta nói về sầu riêng nhưng nói ít về người trồng, nhà vườn. Ông Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan nói thế này: Tôi 3 năm muốn thay đổi nền nông nghiệp Thái nhưng làm không được. Mà sau đó phải thay đổi ông nông dân, chủ trang trại. Khi đó, nông dân thay đổi thì nông nghiệp thay đổi. Thành ra tôi viết về tri thức hóa nông dân và nâng cao năng lực"- ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, người khởi xướng mô hình hội quán chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, người khởi xướng mô hình hội quán chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”.

Theo ông Lê Minh Hoan, trong xu thế phát triển hiện nay, thực tế đã đúc kết thành kinh nghiệm rằng “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Chúng ta đang muốn phát triển kinh tế tập thể, nhưng đất đai manh mún nhỏ lẻ thì khó phát triển. Chính vì thế cần có sự phối hợp, đi chung trên một con đường để cùng vượt qua khó khăn. Nhưng đi cùng nhau như thế nào, phải có niềm tin vào nhau. Vì thế, ông mong báo chí góp phần “khiêng” tảng đá ra khỏi bước chân người nông dân. Theo ông, không chỉ tô hồng, báo chí phải ánh hiện thực khách quan nhưng cuối cùng vẫn phải mở 1 con đường, tạo niềm tin xã hội.

"Tôi hay viết về sự tử tế. Viết về đạo đức con người mình tưởng như là không có tác dụng nhiều. Nhưng nói chứ nói tới đạo đức thì nó vô giá. Tôi hay nói vui với người nông dân, ông có chịu chơi với người không tử tế trong xóm ông không? Mình phải tìm người tử tế để chơi chứ. Tử tế cụ thể làm cho sạch, chứ bán nông sản không sạch là mình không tử tế rồi. Vì vậy viết những câu chuyện để làm mềm hóa bài báo, đi vào tâm thức để người ta giật mình, tỉnh thức" ông Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan thăm nhà vườn trồng quýt Hồng trong thời điểm hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Ông Lê Minh Hoan thăm nhà vườn trồng quýt Hồng trong thời điểm hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Phân tích thêm về vấn đề này, “nhà báo” Xích Lô cho rằng báo chí mà làm cho những người nông dân nặng lòng trong lúc họ thất bại thì lại càng tiêu cực, bi quan hơn. Cảm xúc, năng lượng tạo ra năng lực. Năng lượng là nguồn lực con người trong xã hội. Báo chí khai mở được những năng lượng, nguồn lực đó thì sẽ thành công và ngược lại. Bởi trong nhiều chuyến công tác, thực tế với đời sống nông dân, nông thôn, ông thấy rằng có những người nông dân cứ ngồi than phiền giá vật tư đầu vào tăng, cửa khẩu ùn tắc, giá nông sản rẻ… và tự mặc định do giá thị trường thế giới, do đứt gãy chuỗi cung ứng… Họ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực và chấp nhận hiện thực, đánh mất niềm tin.

"Mỗi lần ách tắc ở cửa khẩu là giá nông sản ở ĐBSCL xuống. Bàn tay vô hình của thị trường điều chỉnh. Thậm chí chỉ cần nói ngày mai cửa khẩu đóng cửa, chứ chưa đóng thì giá đã xuống rồi. Bởi vì tin sẽ được truyền về dần dần. Tới thương lái biết thì thị trường rất nhạy cảm. Biết cửa khẩu không thông thì đừng mua lúa vào. Mà nếu không mua thì giá xuống. Vì thế khi gặp báo chí tôi thường hay nói quý vị biết ai định giá không, nhiều người nói thương lái. Tôi nói một phần báo chí định giá. Nhà báo nói heo giờ còn 7 triệu con trong chuồng. Ngay lập tức mai giá xuống liền. Bởi vì người ta hoảng hốt, nếu không bán nhanh thì giảm nữa. Thành ra nhiều khi mình viết vì thương người dân nhưng đôi khi không lường phản ứng ngược."

Ông Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Vì thế, đối với ngành nông nghiệp, báo chí có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản bằng cách truyền những tư duy, mô hình mới, cách làm mới để kích thích sự đổi mới, sáng tạo. Nhà báo không chỉ là người đưa tin mà là người mang lại giá trị gia tăng cho nông sản. Ông cho biết đất nước có khoảng 14 triệu nông dân, nếu mỗi người đều bị tác động bởi những thông tin tiêu cực hàng ngày, lâu dần họ sẽ thấy mọi khó khăn không phải do mình mà do trời đất, thị trường hay cơ quan quản lý.

"Báo chí khai thác những giá trị tích cực mang lại để viết đậm hơn. Để những người khi hiểu được giá trị sẽ thấm. Tại sao tôi hay viết bài vì để cho mọi người hiểu được giá trị đó là cái gì cái đã. Chưa hiểu mà ấn mô hình xuống là người ta sẽ dội ra liền. Hiểu được tại sao như vậy, sẽ mang lại được cái gì v.v.. rồi từ từ các địa phương cũng hiểu được"- ông Hoan nói.

Chia sẻ với tư cách người viết báo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm sự: Mục đích viết báo của ông là để chia sẻ với bà con nông dân, suy nghĩ chỉ đơn giản như vậy. Mỗi khi viết, ông viết bằng cảm xúc của người dân, muốn vậy thì phải gặp người dân. Vì thế với ông, đề tài có được là từ sự trắc ẩn, từ việc đặt câu hỏi tại sao? Mỗi câu hỏi tại sao là một đề tài:

"Nhiều chuyên gia nói tôi viết chung chung. Tôi nói không phải vậy. Tôi chỉ gợi ra vấn đề thôi. Còn giải quyết là từ thực tiễn. Tôi đưa ra những nguyên lý, còn mô hình là từ địa phương chứ không thể có một mô hình nào đúng cho tất cả. Ở ĐBSCL đúng với Cà Mau thì không đúng với Tiền Giang. Mỗi câu chuyện tôi đưa ra là một mô hình. Mỗi bài tôi viết ra để gợi mở cho chính quyền địa phương quan tâm hơn. Mỗi địa phương sẽ có những mô hình để giải quyết vấn đề mà từ trước giờ tưởng đi tìm ở đâu xa mà lại có sẵn ở ngay tại chỗ"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Nói sâu về lĩnh vực chuyên ngành mà ông đang giữ trọng trách, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích sâu đối với ngành lúa gạo Việt Nam đã bước qua hai lời nguyền day dứt nhiều năm. Một là Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn nhưng chất lượng gạo thấp, luôn thua thiệt trên thị trường thế giới và hai là khó khăn trong tiêu thụ lúa cho nông dân, nhất là lúa hè thu mà Nhà nước nhiều năm đã phải giải cứu với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ. Chính vì thế với việc triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Ông cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là cách tiếp cận và tư duy rất mới, khó thực hiện, nhưng nó sẽ kích thích chúng ta không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị mới: "Tôi viết một thông điệp nếu mình không có chương trình 1 triệu ha lúa thì làm sao. Thì ĐBSCL vẫn trồng lúa thôi. Cũng có thể đứng nhất nhì thế giới, nhưng rồi những tác hại ngầm sẽ dần dần tác động, suy kiệt dinh dưỡng; giờ còn là nguồn nước, mặn xâm nhập. Mình không thay đổi không được".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” sẽ giúp chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” sẽ giúp chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL

Đối với ngành nông nghiệp mà ông đang giữ vị trí “Tư lệnh”, ông nhận thức rằng báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền, không chỉ là kênh truyền dẫn thông tin mà đã trở thành truyền thông tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngòi bút của nhà báo, tâm huyết và trí tuệ của nhà báo có thể kích hoạt cả một xã hội và thay đổi cả một mô thức để hình thành những hệ giá trị cao hơn. Chính vì thế, bản thân ông luôn thôi thúc để có những câu chuyện, bài viết từ thực tiễn và khuyến khích mọi người xung quanh truyền đi những câu chuyện ý nghĩa: "Tôi đang phát động phong trào các nhà khoa học, các diễn giả thay vì nói thì mình viết với ngôn ngữ đời thường, hình ảnh minh họa đưa xuống nông dân. Bởi vì người nông dân không muốn mình dạy họ. Người ta đọc, thấy nghe và cảm nhận được. Vậy là tri thức hóa nông dân. Chứ một tạp chí mà đa phần nội dung là đồ thị, công thức thì nông dân khó đọc. Làm khoa học là câu chuyện khoa học, còn cái nào đưa tới nông dân thì cụ thể ra. Lợi thế là mình viết đúng cái rạch, cái xẻo đó thì người ta cảm nhận. Còn chung chung hàn lâm quá thì khó".

Ông Lê Minh Hoan trăn trở, báo chí có sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc của xã hội để tạo thành niềm tin, năng lượng tích cực. Sự đồng hành, nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm của đội ngũ báo chí có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các chiến lược, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nha-bao-xich-lo-toi-chi-la-nguoi-tiep-noi-lan-toa-them-nhieu-cau-chuyen-tu-te-post1101880.vov