Nguồn nhân lực ngành bán dẫn: Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Với lợi thế về địa chính trị, tiềm năng về tài nguyên và nguồn nhân lực trẻ, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp bán dẫn và động lực phát triển kinh tế đến năm 2045
Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/01/2025 kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Phiên họp thứ nhất ngày14/12/2024 nêu rõ, chúng ta phải thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước), đòi hỏi phải có bứt phá, đột phá, nhất là về tăng trưởng kinh tế.
Phát triển công nghiệp bán dẫn là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiếp tục là xu thế tất yếu trong tương lai; là nhu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Vì vậy cần tiếp tục triển khai toàn diện, bao gồm đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đột phá về thể chế và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hợp tác quốc tế với các quốc gia, nền kinh tế, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Định hướng nguồn nhân lực, nhân tài ngành bán dẫn tại Việt Nam
Xây dựng Việt Nam thành một trong các trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, từ đó tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trung tâm nhân lực toàn cầu không chỉ bao gồm nhân lực cho Việt Nam mà còn là nhân lực cho gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn. Nhân lực tạo ra lợi thế thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại Việt Nam.
Với khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu lao động thông qua đào tạo lại (Reskill), đào tạo nâng cao (Upskill) từ nguồn nhân lực sẵn có dồi dào là các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, cùng với lợi thế nguồn nhân lực có năng lực về STEM, thì Việt Nam là một trong các nước có ưu thế hàng đầu thế giới để trở thành trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Nhân lực là trụ cột cốt lõi và là nền tảng để hình thành ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực dựa trên dự báo, tầm nhìn dài hạn, nhưng vẫn phải bám sát nhu cầu thị trường. Thúc đẩy ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, để tạo đầu ra, đảm bảo cho đào tạo thành công. Ở tầm quốc gia, Chính phủ sẽ ký kết các hợp tác quốc gia về cung cấp nhân lực bán dẫn với một số quốc gia đang thiếu hụt nhân lực bán dẫn.
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn tại Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, ngành bán dẫn cần đến hơn 50.000 kỹ sư trong vài năm tới, nhưng hệ thống giáo dục chỉ cung cấp được khoảng 5.000 người/năm.
Tình hình hiện tại nguồn nhân lực
Tính đến năm 2025, Việt Nam đang tích cực triển khai các chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, mục tiêu đặt ra là đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, bao gồm kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, để phục vụ các công đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học được khuyến khích thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt để tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn và các công nghệ số cốt lõi.
Tiềm năng phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất; là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.
Việt Nam có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn. Việt Nam là 01 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có tỷ lệ dân số trẻ, có lợi thế nhân lực có năng lực về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhu cầu nhân lực trong ngành bán dẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế tạo chip, thiết kế vi mạch, và nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Việc ứng dụng công nghệ bán dẫn trong các lĩnh vực như ô tô tự lái, thiết bị di động, máy tính, và các thiết bị thông minh ngày càng phổ biến, tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực có kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực này. Các công ty sản xuất chip, các tập đoàn công nghệ quốc tế đang đầu tư vào việc mở rộng các cơ sở sản xuất và R&D tại Việt Nam, điều này tạo ra nhu cầu cao về kỹ sư, chuyên gia trong ngành bán dẫn.
Việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn không chỉ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2025 - 2030.