Nguồn đất, cát vật liệu san lấp vẫn thiếu trầm trọng

Nhiều công trình trọng điểm trên cả nước đang cần hàng triệu mét khối đất san lấp nhưng nguồn cung hạn chế khiến các công trình này có nguy cơ chậm tiến độ đề ra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm

Trong tháng 7/2022, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo về tình hình nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm, trong khi tỉnh đang khởi động cùng lúc nhiều dự án trọng điểm về giao thông.

Theo đó, chỉ riêng về nhu cầu sử dụng vật liệu cho các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ Quốc lộ 56 đến vòng xoay đường 3/2 và 2/9, dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ... đã cần đến 4,5 triệu m3 đá, hơn 1,1 triệu m3 cát và hơn 79,4 triệu m3 vật liệu san lấp.

Với khả năng cung ứng hiện nay, các dự án trọng điểm nói trên thiếu khoảng 64,5 triệu m3, chủ yếu là thiếu hụt về vật liệu san lấp. Trong đó, chỉ riêng dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ cần khoảng 60 triệu m3 vật liệu san lấp.

Tương tự, theo kế hoạch, vào cuối năm 2022, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Vĩnh Hảo - Phan Thiết phải thông xe nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp nền khiến việc triển khai thi công dự án bị chậm tiến độ.

Hiện tại, sản lượng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới đạt 53%, chậm khoảng 1,14% so với kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến tiến độ bị chậm cũng do ảnh hưởng của thiếu đất đắp nền, mùa mưa đến sớm.

Đặc biệt, Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 652km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 8 đoạn đầu tư công và 3 đoạn đầu tư BOT, tới nay đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào sử dụng.

Dự kiến, 4 đoạn sẽ hoàn thành cuối năm nay, gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây; 4 đoạn hoàn thành năm 2023, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2.

Các đoạn còn lại hoàn thành năm 2024, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đến nay tiến độ đạt hơn 12%, chậm khoảng 6% giá trị hợp đồng BOT; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tiến độ đạt hơn 30%, chậm gần 12% so với giá trị hợp đồng. Nguyên nhân đoạn này thi công chậm, theo chủ đầu tư, do các nhà thầu gặp khó khăn về nguồn đất đắp nền đường và chủ quan từ nhà thầu trong việc tổ chức triển khai thi công.

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư, các đơn vị thi công, nhà thầu khá lo lắng về tiến độ thi công sắp tới do nhiều mỏ đất cát san lấp đến nay vẫn chưa được cấp phép khai thác. Ước tính, cần khoảng trên 3 triệu m3 cát san lấp, đắp nền phục vụ thi công các dự án thành phần nói trên.

Riêng với hai dự án thành phần là tuyến Cần Thơ - Hậu Giang và tuyến Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 109,5km dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2022, hoàn thành cuối 2025) thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo tính toán ban đầu cần khoảng 15 triệu m3 cát san lấp. Trong đó, năm 2023 cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, năm 2024 cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp. Nếu không thu xếp đủ nguồn cung cấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hai dự án thành phần này.

Vật liệu thay thế có khả thi?

Trước tình trạng giá cát tăng mạnh, nguồn cát khan hiếm, nhiều công trình xây dựng buộc phải thi công trong tình trạng cầm chừng. Nhiều ý kiến đề xuất có thể thay thế cát tự nhiên bằng các loại nguyên liệu như cát nghiền từ sỏi đá, tro, xỉ, thạch cao, trong đó có cát biển nếu bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và môi trường, sẽ có thể được khai thác phục vụ san lấp. Trước đó, từ lâu nhiều chuyên gia đã khuyến cáo có thể dùng vật liệu khác ngoài cát, để san lấp các dự án, trong đó có vật liệu tro bay (tức tro xỉ nhiệt điện).

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, cùng UBND một số địa phương về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng (bao gồm 19 tiêu chuẩn, 01 quy chuẩn và 7 chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật).

Theo các chuyên gia, các vật liệu thay thế như cát nhân tạo, tro xỉ… có ưu điểm chính là kích thước được kiểm soát dễ dàng, đáp ứng được phân loại theo yêu cầu của từng công trình; giúp bê tông chịu được điều kiện trong môi trường khắc nghiệt; giảm được sự ăn mòn cốt thép bằng cách giảm độ thấm ẩm và hiệu ứng đóng băng, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế và góp phần bảo vệ được môi trường. Trong bối cảnh vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm đang khan hiếm hiện nay, việc sử dụng các vật liệu thay thế có thể là một giải pháp cần được xem xét.

Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nguon-dat-cat-vat-lieu-san-lap-van-thieu-tram-trong-339009.html