Người Tày ở Tràng Lương gìn giữ nghệ thuật hát Then, đàn Tính
UBND xã Tràng Lương, TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính, các làn điệu dân ca cho gần 30 học viên dân tộc Tày là các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, những người yêu thích nghệ thuật hát Then – đàn Tính nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính, các làn điệu dân ca nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Tày ở Tràng Lương
Tràng Lương là một xã miền núi của Đông Triều với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm khoảng 40%. Mặc dù đời sống ngày càng phát triển, nhưng người Tày nơi đây vẫn lưu giữ và phát huy nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc, điển hình là di sản hát Then, đàn Tính - loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó mật thiết với đời sống của người Tày.
Hát Then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát… Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp.

Lớp được các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày trực tiếp truyền dạy
Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người, âm thanh đàn Tính mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hát Then, đàn Tính còn có đặc điểm nổi bật là tính cộng đồng cao, thường được hát trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nam nữ đều biết hát. Chính vì vậy hát Then đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người Tày ở Tràng Lương.

Tham gia lớp truyền dạy các học viên nắm bắt và thực hành nhuần nhuyễn và trình diễn nhiều tiết mục hát Then, đàn Tính đặc sắc
Từ nhiều năm qua, phong trào hát Then, đàn Tính ở xã Tràng Lương luôn được Sở VHTTDL Quảng Ninh, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và cộng đồng quan tâm bảo tồn, lưu giữ gắn liền với các hoạt động sinh hoạt văn hóa thường ngày, trong lễ Tết của bà con dân tộc Tày.
Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình các CLB hát Then - đàn Tính đã góp phần đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với cuộc sống của người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch của Tràng Lương nói riêng, Đông Triều nói chung.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính, vừa qua, UBND xã Tràng Lương đã tổ chức lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính cho gần 30 học viên dân tộc Tày là các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, những người yêu thích nghệ thuật hát Then – đàn Tính góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các học viên tham gia được nghệ nhân Trần Khánh Phượng, Chủ nhiệm CLB hát Then, đàn Tính xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu hướng dẫn các làn điệu Then truyền thống, kỹ thuật sử dụng đàn Tính, cách biểu diễn và giới thiệu những câu chuyện dân gian gắn với từng làn điệu Then...Quá trình tham gia, các học viên đã nắm bắt, thực hành trình diễn nhiều tiết mục hát Then, đàn Tính đặc sắc.
Trở về địa phương, các học viên sẽ là những hạt nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ về nghệ thuật hát Then, đàn Tính, tuyên truyền sâu rộng về các loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở cơ sở, lan tỏa tinh thần yêu di sản đến cộng đồng.

Lớp truyền dạy có sự tham gia của gần 30 học viên dân tộc Tày là các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, những người yêu thích nghệ thuật hát Then – đàn Tính
Việc tổ chức truyền dạy hát Then, đàn Tính tại Tràng Lương, nơi có cộng đồng người Tày sinh sống lâu đời mang ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn nét văn hóa gắn với cội nguồn dân tộc, không chỉ khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc truyền thống, mà còn nâng cao đời sống văn hóa lành mạnh cho người dân địa phương.
Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, văn hóa tư tưởng, thu hút phát triển dịch vụ du lịch của địa phương.