'Người nhện' trong thành phố

Nhiều người ví thợ sơn tường như những 'người nhện' bởi họ không sợ độ cao, bất chấp nguy hiểm để mưu sinh.

Thợ sơn vắt vẻo trên một sợ dây thừng để sơn chống thấm tường nhà cho một nhà dân ở phố Bình Lộc

Thợ sơn vắt vẻo trên một sợ dây thừng để sơn chống thấm tường nhà cho một nhà dân ở phố Bình Lộc

“Đánh đu” với tử thần

Chỉ cần một chiếc dây thừng buộc ngang người là nhóm thợ sơn của anh Nguyễn Văn Hiên quê ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) có thể làm việc ở độ cao vài chục mét. Từ dưới nhìn lên nhiều người không khỏi lo ngại bởi tính mạng của họ đang “treo” trên một sợi dây thừng.

Vội gạt những giọt mồ hôi lẫn màu sơn trên trán, anh Phạm Văn Nghĩa, thợ sơn trong nhóm có tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ cho biết: “Mấy chú có kinh nghiệm trong nghề thường bảo ngày xưa nguy hiểm nhất là nghề “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”, tức là nghề đào giếng khơi thì nay những thợ sơn như chúng tôi làm việc ở độ cao hàng chục mét nguy hiểm chẳng kém”.

Làm việc ở độ cao vài chục mét nhưng thợ sơn không có thiết bị bảo hộ an toàn; rất ít người được mua bảo hiểm đề phòng rủi ro tai nạn

Làm việc ở độ cao vài chục mét nhưng thợ sơn không có thiết bị bảo hộ an toàn; rất ít người được mua bảo hiểm đề phòng rủi ro tai nạn

Dù mới vào nghề được 3 năm nhưng trình độ đu dây của anh Nghĩa đã thành thạo. Nguy hiểm nhất là sơn ở mặt tiền của ngôi nhà hoặc sơn chống thấm hai bên tường vì nhiều lúc thợ sơn không dựng được giàn giáo mà buộc phải đu dây để làm. Nhóm thợ của anh Hiên có 5 người thì 3 người đã làm nghề này gần 10 năm nay. Anh Hoàng Văn Tú trong nhóm thợ kể: "Những ngày đầu treo mình trên cao rất sợ. Có hôm tranh thủ giờ nghỉ trưa chợp mắt một lát mà trong mơ chập chờn thấy mình đang làm việc thì bị rơi từ trên cao xuống, chới với, miệng không ngừng la hét...".

Theo anh Tú, dựng giàn giáo cao hàng chục mét để sơn tường khó khả thi. Thậm chí còn nguy hiểm hơn nếu dựng không chắc và vướng nên đu dây là thuận nhất vì vừa nhanh vừa tiết kiệm chi phí. Sơn tường không khó nhưng khá kén người. Những người làm nghề này phải không sợ độ cao, không yếu tim, cao huyết áp. “Ban đầu nhóm thợ sơn có 10 người nhưng nhiều người không trụ được khi phải làm việc trên cao cả tiếng đồng hồ trong thời tiết nóng nực, mùi sơn nồng nặc”, anh Nghĩa nói.

Dù nguy hiểm nhưng không ít người vẫn muốn gắn bó với nghề vì được trả công cao, khoảng 250.000-300.000 đồng/ngày, có công trình được trả 400.000 đồng/ngày. “Càng nắng thì càng phải làm việc vì khi đó sơn mới hiệu quả. Thế nên thợ sơn ai cũng đen nhẻm”, vừa pha sơn anh Nguyễn Văn Vinh quê ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đang làm việc tại một công trình nhà dân ở khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương cười nói.

Chưa quan tâm bảo hộ

Công việc nguy hiểm nên đã có không ít thợ sơn bị tai nạn. Anh Trần Văn Điều quê ở Bắc Ninh theo đội thợ xây về Hải Dương làm việc kể với giọng buồn: “Đội thợ sơn của tôi có 5 người thì một người đã bị tai nạn nằm liệt giường. Năm 2016, trong khi sơn trần nhà cho một nhà nghỉ ở Hà Nội, anh ấy ngã giàn giáo, không may đầu đập vào một thanh sắt dưới nền nhà và phải sống thực vật từ đó đến nay. Nhà anh ấy đông con, vợ lại đau ốm thường xuyên nên cuộc sống khá khó khăn, chúng tôi hỗ trợ cũng không được nhiều”.

Mùi sơn nồng nặc nhưng ít người đeo khẩu trang

Mùi sơn nồng nặc nhưng ít người đeo khẩu trang

Những lo lắng của anh Điều cũng là nỗi niềm của không ít thợ sơn. Ngoài đối mặt với nguy hiểm rình rập khi làm việc trên cao, thiếu bảo hộ, thiết bị an toàn, họ còn phải chịu những ảnh hưởng khi tiếp xúc thường xuyên với mùi sơn. Phần lớn thợ sơn là lao động tư do, nay làm công trình này mai làm công trình khác nên không được các chủ thầu quan tâm. Nhiều thợ sơn làm lâu dài, ổn định nhưng doanh nghiệp cũng hạn chế mua bảo hiểm để tiết kiệm chi phí. “Bảo hiểm tai nạn với thợ sơn là điều xa xỉ. Chúng tôi chỉ mong không bị chủ thầu quỵt tiền công là tốt lắm rồi”, anh Nghĩa chia sẻ.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng (QCVN 18:2014/BXD), ban hành kèm theo Thông tư số 14/2014/TT-BXD ngày 5.9.2014 của Bộ trưởng Xây dựng quy định khi làm việc trên cao (từ 2 m trở lên) hoặc chưa đến độ cao đó nhưng dưới chỗ làm việc có các vật chướng ngại nguy hiểm, thì chủ thầu xây dựng phải trang bị dây, mũ, đai an toàn, lưới bảo vệ cho người lao động. Nếu không tuân thủ các biện pháp an toàn trên, người lao động không được phép làm việc.

Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 20.8.2020 cũng nêu rõ danh mục các nghề nguy hiểm cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn vệ sinh lao động, trong đó có nghề sơn tường…

Quy định đã có nhưng rất ít nơi thợ sơn hay chủ các công trình thực hiện tốt những nội dung trên.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nguoi-nhen-trong-thanh-pho-218635