Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh: 35 năm thổi hồn Việt vào tranh kính

Dưới bàn tay tài hoa của 'phù thủy' tranh kính Phạm Hồng Vinh, những tấm kính đơn điệu, dễ vỡ trở thành các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc, bền bỉ với thời gian, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Người sáng lập nghề tranh khắc kính tại Việt Nam

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh (sinh năm 1961, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là người sở hữu bằng độc quyền sáng chế về quy trình sản xuất tranh kính tại Việt Nam do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2012; là tác giả của dòng tranh kính đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2020. Năm 2023, với sản phẩm tranh kính điêu khắc của mình, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh vinh dự đón nhận Huy chương vàng cuộc thi sáng chế Quốc tế lần thứ 25 tại Liên bang Nga. Những thành quả ấy là kết tinh của hơn 35 năm miệt mài sáng tạo của một người nghệ nhân dành trọn đam mê cho tranh kính.

 Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh và tác phẩm tranh kính của mình. Ảnh: Hải Ly

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh và tác phẩm tranh kính của mình. Ảnh: Hải Ly

“Từ nhỏ, tôi đã yêu thích hội họa và điêu khắc nên thường được mọi người nhờ vẽ tranh, khắc hình. Năm 1988, một người bạn mang đến chiếc cốc pha lê và nhờ tôi khắc họa tiết. Chưa từng thử khắc trên kính trước đó nên tôi rất hứng thú mày mò, thử nghiệm. Sau 1 tháng, tôi sáng tạo ra đá mài kính để điêu khắc thành công sản phẩm cho người bạn của mình”, ông Vinh tự hào nhớ lại.

Từ cơ duyên ấy, ông Vinh tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để tạo ra những chiếc máy mài kính đầu tiên tại Việt Nam và từng bước hoàn thiện dòng tranh kính đá mài (sản phẩm tranh kính đời đầu), đặt nền móng cho những tác phẩm điêu khắc kính sau này. Năm 1994, thương hiệu Vinh Coba ra đời, cung cấp gương kính điêu khắc hoa văn dạng phù điêu và kính mờ cho ngành xây dựng.

 “Khi đã gắn bó với nghề kính, tôi hiểu rằng đổ vỡ là điều bình thường. Nhưng khi vượt qua được, thành quả nhận lại sẽ vô cùng xứng đáng”, ông Vinh chia sẻ. Ảnh: NVCC

“Khi đã gắn bó với nghề kính, tôi hiểu rằng đổ vỡ là điều bình thường. Nhưng khi vượt qua được, thành quả nhận lại sẽ vô cùng xứng đáng”, ông Vinh chia sẻ. Ảnh: NVCC

Ông Vinh cho biết, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là không có ai hướng dẫn, bởi nghề này chưa có người đi trước, kiến thức chủ yếu tự mày mò, trong khi internet thời đó còn hạn chế. “Không có thầy dạy, tôi vừa làm, vừa tự tìm đường đi riêng. Những gì chưa ai làm, tôi sẽ làm”, ông Vinh chia sẻ.

Sau 9 năm miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, bức tranh kính điêu khắc trên khổ 1m2 ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình theo đuổi nghệ thuật tranh kính điêu khắc của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh. Cơ sở gương kính Vinh Coba khi đó được đổi tên thành Công ty cổ phần kính nghệ thuật Coba, sản xuất tranh kính nghệ thuật phục vụ các công trình đình chùa, nhà thờ, lâu đài, biệt thự. Đến nay, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã hoàn thiện tranh cho hơn 100 nhà thờ, trong đó có những công trình tổng diện tích lên tới trên 300m2, giá trị cả tỷ đồng.

 Bằng kỹ thuật điêu khắc trên kính, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã sáng tạo nên những tác phẩm tranh kính độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng biệt. Ảnh: NVCC

Bằng kỹ thuật điêu khắc trên kính, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã sáng tạo nên những tác phẩm tranh kính độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng biệt. Ảnh: NVCC

“Mỗi khi nghiên cứu và tạo ra một sản phẩm hay công nghệ mới, tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Làm nghề không tránh khỏi những lúc thất bại, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Nếu hỏng, tôi làm lại; chưa đúng, tôi tiếp tục điều chỉnh. Khi đã gắn bó với nghề kính, tôi hiểu rằng hỏng, vỡ là điều bình thường. Nhưng khi vượt qua được, thành quả nhận lại sẽ vô cùng xứng đáng”, ông Vinh cho hay.

Đưa “màu” dân tộc vào từng nét tranh kính

Những bức tranh kính của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh không chỉ gây ấn tượng bởi độ bền và kỹ thuật tinh xảo, mà còn chạm đến chiều sâu văn hóa Việt. Từ đề tài tâm linh, con người đến những biểu tượng dân gian, mỗi tác phẩm đều mang hơi thở truyền thống, tái hiện những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam trên chất liệu kính. “Tôi luôn mong muốn khắc họa hình ảnh, kiến trúc, con người, lối sống xưa để lưu giữ hồn dân tộc và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước”, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chia sẻ.

 Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh (ở giữa) và tác phẩm “Rồng nhà Lý”. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh (ở giữa) và tác phẩm “Rồng nhà Lý”. Ảnh: NVCC

Từ khát vọng ấy, các tác phẩm tranh kính của Vinh Coba chủ yếu khai thác những giá trị văn hóa Việt. Văn hóa dân gian hiện lên sinh động trong “Nghệ thuật hát xẩm”, “Chử Đồng Tử”, “Lạc Long Quân”, hay hình tượng “Rồng nhà Lý” uy nghi – biểu trưng cho khát vọng tự do, độc lập, “Một thoáng Việt Nam” đậm chất kinh kỳ,...

Hà Nội cũng hiện lên sống động qua từng đường nét chạm khắc trên kính với các danh lam thắng cảnh như: Tháp Rùa, Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ, Cầu Thê Húc,… Hòa cùng dòng chảy văn hóa, hình ảnh con người của mảnh đất ngàn năm văn hiến xưa cũng được khắc họa chân thực qua các tác phẩm “Áo dài bên Hồ Gươm”, “Vợ chồng xẩm”, “Người gánh hàng rong”,...

 Chao đèn được trang trí bởi họa tiết về văn hóa dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC

Chao đèn được trang trí bởi họa tiết về văn hóa dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC

Đối với Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh, mỗi bức tranh kính là kết tinh của sự tỉ mỉ và khéo léo, đặc biệt là khi tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống. Một tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn công phu, từ thiết kế, tạo hình, vẽ tranh cho đến giai đoạn tôi kính trong lò nung. Mỗi lần tác động lên bề mặt kính là 1 lần người nghệ nhân thổi hồn vào tác phẩm.

Theo ông, điểm khác biệt lớn nhất của tranh kính so với tranh trên giấy chính là tính hai mặt. Khi điêu khắc và tô màu, nghệ nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về xa - gần, sáng - tối, điểm nghỉ của bố cục, đồng thời am hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa dân tộc. “Vẽ trên kính không cho phép sai sót, bởi nguyên liệu không hề rẻ, chỉ cần một nét lệch là phải bỏ đi”, ông chia sẻ.

 Để hoàn thiện một bức tranh kính rộng hơn 1m², công đoạn đồ họa và vẽ mất khoảng 1 tuần, điêu khắc mất thêm 3 – 4 ngày, nung mất 1 ngày. Độ bền của tranh phụ thuộc vào 2 yếu tố: kính được cường lực và màu sắc. Ảnh: Hải Ly

Để hoàn thiện một bức tranh kính rộng hơn 1m², công đoạn đồ họa và vẽ mất khoảng 1 tuần, điêu khắc mất thêm 3 – 4 ngày, nung mất 1 ngày. Độ bền của tranh phụ thuộc vào 2 yếu tố: kính được cường lực và màu sắc. Ảnh: Hải Ly

Để nghệ thuật tranh kính Việt ngày càng phát triển

Không chỉ miệt mài sáng tạo, thử nghiệm và cải tiến công nghệ, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh còn luôn nỗ lực gìn giữ, lan tỏa nghề tranh kính. Hơn 35 năm gắn bó, ông đã đào tạo hơn 200 học trò, góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật này. Nhiều người sau này đã trở thành nghệ nhân danh tiếng của Hà Nội, như nghệ nhân Bùi Bạch Đằng, nghệ nhân Phạm Hồng Hạnh, nghệ nhân Bùi Thanh Hải…

Trong số đó, nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà (sinh năm 1986) là gương mặt tiêu biểu. Năm 2014, chị trở thành nghệ nhân trẻ nhất trong số 100 nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận. Chị Hà cho biết: “Nhờ có sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của thầy Vinh, tôi mới có thể theo đuổi và gắn bó với tranh kính cho đến hôm nay. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, chính thầy là người truyền cho tôi không chỉ kỹ thuật mà còn cả niềm đam mê, sự kiên trì với nghề”.

 Ông Vinh giới thiệu về sản phẩm tranh kính của mình. Ảnh: Hải Ly

Ông Vinh giới thiệu về sản phẩm tranh kính của mình. Ảnh: Hải Ly

Không chỉ kế thừa tinh hoa từ người thầy của mình, chị Hà còn ý thức sâu sắc trách nhiệm của một người trẻ trong việc giữ gìn và phát triển nghề. “Tôi luôn nhắc mình phải tiếp tục học hỏi để nắm vững kỹ thuật truyền thống, đồng thời đổi mới tư duy, tìm hướng đi phù hợp với nhu cầu hiện đại nhằm lan tỏa tình yêu tranh kính đến nhiều người hơn, như cách thầy Vinh đã làm suốt bao năm qua”, chị Hà chia sẻ thêm.

Cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân trẻ, ông Vinh cũng đang ấp ủ nhiều dự định lớn nhằm đưa tranh kính điêu khắc đến gần hơn với công chúng như: tổ chức các buổi giao lưu, mở triển lãm giới thiệu tác phẩm… Để hiện thực hóa ước mơ đó, ở tuổi 64, người nghệ nhân ấy vẫn ngày đêm say mê nghiên cứu, đổi mới, đồng thời kiên định bảo tồn những giá trị truyền thống trong từng tác phẩm, nuôi khát vọng đưa tranh kính Việt vươn xa trên thị trường quốc tế.

Trên thế giới, tranh kính đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ được tạo nên bằng cách lắp ghép các mảnh kính màu, thường dùng để trang trí trong nhà thờ. Ở Việt Nam, loại hình này manh nha từ thời Nguyễn với tranh vẽ trên kính, phát triển hơn vào đầu thế kỷ XX nhưng dần mai một, nhường chỗ cho nghề in màu, in sơn trên kính.

Khác với tranh kính truyền thống, tranh kính điêu khắc của ông Phạm Hồng Vinh không chỉ đơn thuần là vẽ màu mà còn kết hợp kỹ thuật điêu khắc tạo khối phù điêu, tô màu bằng men ceramic và ứng dụng công nghệ xử lý bề mặt kính. Nhờ đó, tranh kính điêu khắc có độ bền cao, màu sắc không phai, mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhiều công trình kiến trúc.

Bài, ảnh: HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghe-nhan-uu-tu-pham-hong-vinh-35-nam-thoi-hon-viet-vao-tranh-kinh-814444