Ngày này năm xưa 17/8: Ban hành quy định về thi đua khen thưởng trong ngành Công Thương

Ngày này năm xưa 17/8: Bộ Công Thương ban hành quy định chi tiết thi hành công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 17/8; các sự về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước

Ngày 17/8/1945: Sau khi kết thúc Đại hội Quốc dân Tân Trào và bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân danh người đứng đầu Ủy ban đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.

Ngày 17/8/1945: Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức chính quyền Trần Trọng Kim. Một lá cờ rộng bằng sáu chiếc chiếu đôi được chuẩn bị và giấu trong Nhà hát Lớn. Khi cuộc mít-tinh vừa khai mạc, bất ngờ lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ được tung ra phủ kín từ tầng hai mặt tiền Nhà hát Lớn rủ xuống gần chạm đất. Cùng lúc đó, hàng nghìn hội viên thanh niên cứu quốc đã đứng lẫn trong đám đông dự mít-tinh đồng loạt rút lá cờ đỏ sao vàng giấu trong người ra vừa phất, vừa reo hò. Một số đội viên tuyên truyền nhanh chóng chiếm diễn đàn, báo tin Nhật đã đầu hàng không điều kiện, nói rõ đường lối cứu nước của Việt Minh và kêu goi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật. Lập tức hàng vạn quần chúng hô vang khẩu hiệu nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của các chiến sĩ Việt Minh.

Ngay trong đêm 17/8/1945, Thành ủy Hà Nội báo cáo Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và xác định ngày 19/8/1945 toàn thành phố nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền.

Ngày 17/8/1945: Đây là một ngày đặc biệt mãi mãi đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đó là ngày nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang dưới sự lãnh đạo của Đảng giành được chính quyền về tay cách mạng và nhân dân các dân tộc trong tỉnh,

Ngày 17/8/1968: Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, từ đêm 17/8 đến 30/9/1968, quân và dân ta ở miền Nam mở đợt tiến công và nổi dậy lần thứ ba trong nǎm 1968. Ta đã đánh vào 27 thành phố, hơn 100 thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, 17 sân bay, 3 kho và 6 Bộ tư lệnh sư đoàn của địch.

Ngày 17/8/2009: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1291/QĐ-TTg về việc phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ngày 17/8/2007: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 135/2007/QĐ-TTg ban hành quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ngày 17/8/2017: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.

Ảnh minh họa

Ngày 17/8/2007: Ban hành Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Ngày 17/8/2012: Quyết định số 1110/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030..

Ngày 17/8/2017: Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1224/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới

Ngày 17/8/2021: Bộ Công Thương có Quyết định số 1972/QĐ-BCT về Thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam theo quy định tại Điều 13.15 Chương Thương mại và Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA. Danh sách cụ thể các thành viên Nhóm DAG Việt Nam được ban hành tại Phụ lục của Quyết định này. Danh sách cụ thể các thành viên Nhóm DAG Việt Nam có thể được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Nhóm này có nhiệm vụ tập hợp, trình bày quan điểm và đưa ra khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định. Các quan điểm và khuyến nghị này được đưa lên Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA và các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Các quan điểm và khuyến nghị của Nhóm DAG Việt Nam có giá trị tham khảo, không mang tính ràng buộc đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Ngày 17/8/2015: Bộ Công Thương có Thông tư số 26/2015/TT-BCT quy định chi tiết thi hành công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương.

Ngày 17/8/2015: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 17/8/2011: Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BCT quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản.

Ngày 17/8/2012: Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 13/CT-KH về việc thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Sự kiện quốc tế

Ngày 17/8/1945: Ngày Độc lập tại Indonesia. Nước này tuyên bố giành độc lập từ tay thực dân Hà Lan. Ông Sukarno, một lãnh đạo có ảnh hưởng tuyên bố độc lập, được chỉ định làm tổng thống và trở thành Tổng thống đầu tiên của Indonesia.

Ngày 17/8/1848: Ngày mất của Jacob Berzelius (sinh năm 1779), nhà khoa học Thụy Điển. Ông được coi là cha đẻ của hóa học hiện đại.

Là một trong những nhà bác học lớn nhất của thời đại, bằng nhiều phát minh, Jacob Berzelius làm giàu cho nhiều ngành khác nhau của hóa học. Những khái niệm quan trọng gắn liền với tên tuổi như: Hóa học, hữu cơ, xúc tác, tính thù hình, hiện tượng đồng phân ... Ký hiệu các nguyên tố mà chúng ta dùng ngày nay là do ông đề nghị.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

.Ngày 17/8/1921: Ghi nhận trong hồ sơ của Cơ quan mật thám Pháp bài viết “Vụ âm mưu ở Đông Dương” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Toàn văn sau này được tập hợp trong tác phẩm nổi tiếng: “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Bài báo tố cáo những tội ác được giới thực dân dựng lên để đàn áp và dễ bề cai trị. Bài báo viết: “Nhưng, người An Nam chúng tôi ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ kiên quyết đưa sự bất công ghê tởm và phi lý ấy ra phản đối trước tất cả mọi người Pháp chân chính. Chúng tôi mong rằng dư luận nước Pháp thông cảm với những nỗi đau khổ của các anh em và sẽ đấu tranh đòi cho Công lý được thực hiện”

Ngày 17/8/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa tại Đài liệt sỹ kỷ niệm Ngày Kháng chiến của Pháp, và từ Pari, gửi điện mừng Ngày Độc lập của Indonesia. Điện có đoạn viết: “Chúng tôi rất mong rằng vì hai dân tộc chúng ta cùng chịu đựng một thống khổ, cùng chiến đấu để giành độc lập, có thể cộng tác với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết để thực hiện hòa bình và dân chủ ở miền Đông Nam châu Á”.

Ngày 17/8/1947: Trong lá thư gửi Hội nghị Thanh niên Việt Nam, Bác khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó…”. Người lại động viên: “Có chí làm thì quyết tâm ra việc và quyết làm được việc. Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mang, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được. Đó là những kinh nghiệm của một người bạn có lịch duyệt thật thà đem bày tỏ với các bạn. Mong các bạn gắng sức và thành công”.

Ngày 17/8/1952: Trao đổi với các học viên đang tham gia lớp chỉnh Đảng Trung ương về cách viết, Bác nói: “Viết cũng như mọi công việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”.

Ngày 17/8/1962: Đến thăm và nói chuyện với học viên Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tỉnh Hòa Bình, Bác nhấn mạnh: “... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-178-ban-hanh-quy-dinh-ve-thi-dua-khen-thuong-trong-nganh-cong-thuong-267184.html