Ngành GTVT một năm nhiều điểm sáng
Nỗ lực vượt khó, năm 2024, Bộ GTVT ghi nhận sự chuyển biến toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thời gian tới, những việc gì ngành GTVT đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa.
Hạ tầng tiếp tục đột phá
Chiều 30/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Đến dự và chỉ đạo có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành, đại diện nhiều ủy ban của Quốc hội. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự hội nghị qua các điểm cầu trực tuyến.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã phác họa bức tranh toàn diện về kết quả toàn ngành đạt được sau một năm vượt khó.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến là đột phá kết cấu hạ tầng giao thông. Theo Bộ trưởng, trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án. Tiến độ các dự án trọng điểm đều được đảm bảo.
Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng.
Đặc biệt, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, Bộ đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024).
Bộ GTVT cũng đồng thời phối hợp với TP.HCM, TP Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học, tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.
Nỗ lực trong năm bản lề, năm 2025 dự kiến có 50 dự án giao thông sẽ được đưa về đích.
Trong đó, hàng loạt dự án lớn như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (12 dự án thành phần); đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chơn Thành - Đức Hòa; Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; cao tốc Hòa Liên – Túy Loan… sẽ hoàn thành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Lĩnh vực hàng không với các dự án trọng điểm như: Nhà Ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hạng mục đường cất hạ cánh dự án thành phần Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực vượt khó
Ở góc độ địa phương, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao vai trò của ngành GTVT trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối vùng của TP.HCM trong năm 2024.
Hàng loạt các công trình giao thông lớn như Vành đai 3, metro Bến Thành - Suối Tiên đã được đưa vào vận hành thương mại. Các nhóm việc liên quan Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đảm bảo triển khai đồng bộ khai thác đều có sự hỗ trợ, đồng hành của ngành GTVT.
Đề cập đến hành trình bứt tốc đầu tư phát triển hạ tầng, sự chuyển biến ở dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thông tin, thời điểm cuối năm 2023, các địa phương mới bàn giao được khoảng 673km mặt bằng cho dự án (đạt hơn 93%), mặt bằng thi công được chỉ đạt gần 90%. Phần chưa bàn giao lại là phần khó khăn nhất do chủ yếu là đất ở; sản lượng thi công toàn dự án chỉ xấp xỉ 15% giá trị hợp đồng.
Vật liệu cát đắp vẫn là nỗi lo lớn ở dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau vì khi đó, chỉ mới có Đồng Tháp hoàn thành thủ tục khai thác, nguồn cung tại hai tỉnh An Giang, Vĩnh Long chưa xác định đủ, chưa hoàn thiện được thủ tục.
Sau một năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chủ đầu tư, nhà thầu, tính đến đầu tháng 12/2024, công tác GPMB phục vụ thi công dự án đã cơ bản hoàn thành, diện tích mặt bằng có thể triển khai thi công đạt gần tuyệt đối (99,96%).
Sản lượng thi công toàn dự án đạt gần 61% giá trị hợp đồng, nhiều dự án có điều kiện thuận lợi, sản lượng đạt trên 70%, cá biệt có dự án đạt đến 80%. Nguồn cung vật liệu cát phục vụ thi công đoạn Cần Thơ - Cà Mau cũng đã được các địa phương hoàn thiện thủ tục để đưa vào khai thác.
Tháo điểm nghẽn, phát triển vận tải
Vận tải tăng trưởng hai con số cũng là một trong những kết quả ấn tượng ngành GTVT đạt được trong năm 2024.
Theo Bộ GTVT, năm qua, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các lĩnh vực hàng không tăng 20%, đường bộ tăng hơn 15%, đường thủy tăng 14,5%, đường biển tăng 14%, đường sắt tăng 12%.
Vận chuyển hành khách ước đạt 4,7 tỷ lượt hành khách, tăng hơn 11% so với năm 2023. Trong đó, hàng không tăng hơn 5%, đường biển tăng 17%, đường sắt tăng 16%, đường bộ tăng hơn 15%, đường thủy tăng hơn 10%.
Vui mừng khi năm 2024, lĩnh vực hàng không tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, thị trường hàng không quốc tế tiếp tục xu hướng phục hồi và tăng trưởng, song ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) đánh giá, lĩnh vực hàng không vẫn gặp nhiều diễn biến bất lợi như xung đột chính trị; giá nhiên liệu duy trì ở mức cao; vấn đề triệu hồi động cơ khiến giá thuê tàu, vật tư phụ tùng và chi phí sửa chữa bảo dưỡng tăng cao.
Theo ông Hòa, ứng phó với khó khăn, các hãng hàng không đã liên tục rà soát, điều chỉnh sản phẩm trên cơ sở mục tiêu đảm bảo thị phần, hiệu quả, cân đối các vấn đề nguồn lực tàu bay và slots cất/hạ cánh, đạt nhiều tín hiệu tích cực.
Riêng Vietnam Airlines, chất lượng điều hành khai thác và định kỳ bảo dưỡng các đội tàu bay được nâng cao, chỉ số đúng giờ (OTP) ở mức 84%, tương đương với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới. Mạng đường bay về cơ bản đã phục hồi hoàn toàn. Doanh thu công ty mẹ ước đạt trên 84.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm.
Mặc dù vậy, đáp ứng sự tăng trưởng lâu dài của các hãng hàng không trong nước, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành các chính sách, cơ chế thông thoáng, đơn giản để hỗ trợ hãng và các doanh nghiệp trong ngành tham gia thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Chiến lược phát triển ngành hàng không trong sự kết nối với các ngành khác như du lịch, khách sạn, dịch vụ, giao thông đường bộ… đi kèm với các chương trình phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cần được xây dựng để xây dựng ngành hàng không trở thành mũi nhọn.
Ở lĩnh vực hàng hải, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho biết, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt hơn 850 triệu tấn năm 2024. Trong đó, sản lượng container thông qua các cảng biển lên đến 30 triệu Teus, trong khi cách đây 10 năm, con số dự báo đến năm 2025 chỉ đạt 23 - 24 triệu Teus.
"Sản lượng hàng hóa qua cảng biển Singapore đạt khoảng 34 triệu Teus. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ bằng và vượt", ông Tĩnh nói.
Nhận diện điểm nghẽn phát triển hàng hải Việt Nam hiện nay là nguồn kinh phí cho phát triển vận tải biển chưa tương xứng, kinh phí cho kế hoạch nạo vét còn thấp, Tổng giám đốc VIMC kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm đến hoạt động nạo vét các luồng thủy nội địa, có những chính sách tăng cường kết nối tuyến vận tải thủy, nâng cấp tĩnh không của các cầu, luồng, điểm giao cắt.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: "Với sứ mệnh đi trước mở đường, GTVT là ngành tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia.
Đặc biệt là lĩnh vực đường bộ, nếu trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư gần 1.200km đường bộ cao tốc thì từ 2021 đến nay, tổng chiều dài cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đạt gần 900km. Tổng chiều dài đường bộ cao tốc tăng lên 2.021km.
Năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tư duy đổi mới, có nhiều điểm hết sức đột phá.
Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, các nhà thầu, tư vấn… đã lao động không quản ngày đêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng với triển khai đồng bộ các phương thức giao thông, cần tính toán phát triển đồng bộ giữa các vùng miền. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải được đặt trong hệ sinh thái, có tính liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
"Các dự án trọng điểm như: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.HCM - Cần Thơ, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần đẩy nhanh các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công" Phó thủ tướng nói.
Đồng thời, ngành GTVT cần tiếp tục cải cách thể chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không sau thời gian dồn lực tạo đột phá trong lĩnh vực đường bộ.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần tiếp tục được đẩy mạnh, từ quy hoạch, tổ chức thi công, vận hành khai thác.
Thời gian tới, sau quá trình thực hiện việc sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, ngành GTVT cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", có sự tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp.
Phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, công trường bứt tốc, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024).
Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; công tác phòng, chống bão, lũ được Bộ GTVT chủ động ứng phó từ sớm, từ xa; chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế; tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương
Tạo đà cho các dự án tăng tốc về đích, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai nghị quyết liên quan của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là nguồn cát đắp, đất đắp.
Thời gian qua, bộ đã đánh giá, khoanh định 144.000.000m3 cát biển ở tỉnh Sóc trăng có thể khai thác ngay, phục vụ thi công các dự án giao thông lớn trong bối cảnh nguồn cát sông còn hạn chế. Đến nay, có 860.000m3 đã được khai thác.
5 tháng đầu năm 2025, việc khai thác tài nguyên cát biển sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng cát biển trong các môi trường khác nhau.
Thế nhưng, hiện đang có câu chuyện cùng một văn bản hướng dẫn của bộ chuyên ngành, hơn 40 tỉnh, thành thực hiện tốt việc cấp mỏ đặc thù nhưng có những tỉnh chưa cấp mỏ nào.
Để các dự án giao thông bứt tốc hơn nữa trên chặng đua tiến độ, đặc biệt là mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương là rất quan trọng.