Nga rút nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina, Mỹ sắp sơ tán sứ quán
Hãng tin nhà nước Ria Novosti của Nga hôm nay (12/2) đưa tin, Nga đã bắt đầu rút nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina. Trong khi AP cho hay Mỹ sắp sơ tán sứ quán ở Kiev.
Thông tin được đưa ra trong lúc lo ngại dâng cao rằng Moscow sẽ sớm mở cuộc xâm chiếm Ukraina. Tờ The National News dẫn tin từ hãng Ria Novosti cho biết, các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự quán Nga tại Ukraina đã bắt đầu lên đường về nước.
Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Washington chuẩn bị sơ tán đại sứ quán Mỹ tại Kiev, khi giới chức tình báo phương Tây cảnh báo nguy cơ Nga tấn công ngày càng cận kề.
Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến thông báo vào 12/2 rằng, tất cả nhân viên tại đại sứ quán nước này ở Kiev được yêu cầu rời đi, các quan chức Mỹ giấu tên nói. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về thông tin này.
Các nguồn tin nói rằng, lượng nhỏ nhân viên ngoại giao Mỹ có thể ở lại Kiev, nhưng phần lớn trong số gần 200 nhân viên sẽ được chuyển đến vùng viễn tây của Ukraina, gần biên giới Ba Lan.
Hiện, Nga vẫn tuyên bố không có kế hoạch xâm chiếm Ukraina và vẫn chưa chính thức công bố việc rút nhân viên ngoại giao tại nước này. Tuy nhiên, một nguồn tin nói với Ria Novosti rằng việc giảm nhân viên ngoại giao được thể hiện qua việc đặt hẹn tại đại sứ quán và lãnh sự quán ngày càng khó.
Trước đó, Mỹ và các đồng minh của nước này đã kêu gọi công dân rời Ukraina sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, Nga có thể tấn công Ukraina bất cứ lúc nào.
Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ có cuộc điện đàm vào cuối ngày hôm nay để bàn về vấn đề Ukraina, giới chức Kremlin và Nhà Trắng cho biết.
Nga hiện muốn nhận đảm bảo an ninh từ phương Tây, gồm cả lời hứa không triển khai tên lửa gần biên giới nước này, không nhận Ukraina trở thành thành viên NATO, thu nhỏ cơ sở hạ tầng của liên minh quân sự này.
Moscow cho rằng sự hỗ trợ của NATO với Ukraina - gồm cả tăng cường cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự, đã tạo nên mối đe dọa ngày càng tăng ở sườn phía tây của Nga.
Phương Tây đã bác bỏ các yêu cầu của Nga, nhưng cho biết sẵn sàng đề cập tới các bước kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.