Nâng hạng thị trường chứng khoán

Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2025 là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn và sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

Mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa.

Mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa.

Còn 1 năm để chạy nước rút

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025. Nghị quyết 86 ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững yêu cầu "khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng, TTCK Việt Nam hiện đáp ứng được 8/17 tiêu chí nâng hạng của công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán. MSCI và 7/9 điều kiện của FTSE Russell (tổ chức xếp hạng thị trường - PV). Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật thì chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết được đánh giá là gốc rễ của nâng hạng thị trường. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS); phát triển bền vững thì việc nâng hạng TTCK mới trở nên bền vững và thực chất.

Tại Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” tổ chức ngày 10/10, các chuyên gia nhận định, việc nâng hạng TTCK được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, tuy nhiên nâng hạng TTCK trước năm 2025 là mục tiêu rất thách thức.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết, kỳ đánh giá của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, trong khi với FTSE là tháng 3 và tháng 9 hàng năm, điều đó có nghĩa để nâng hạng trước năm 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để chạy đua với hàng loạt tiêu chí.

Do đó, mục tiêu nâng hạng TTCK trước năm 2025 là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn và sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan. Đại diện lãnh đạo các tập đoàn niêm yết lớn đánh giá, mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam, thể hiện ở quy mô và tính minh bạch của thị trường - hai yếu tố bền vững giữ chân nhà đầu tư nước ngoài lâu dài. Bởi vậy, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần ý thức và nâng cao công tác minh bạch công bố thông tin.

Gỡ vướng nhiều tiêu chí

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, TTCK Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xây dựng các bộ chỉ số quốc tế là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên, trong đó FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi từ tháng 9/2018.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán, TTCK Việt Nam được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên. Từ năm 2019, Ủy ban Chứng khoán đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên có liên quan để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại để TTCK sớm được nâng hạng theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ông Đặng Hồng Quang - Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội VinaCapita phân tích, TTCK Việt Nam hiện còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của MSCI và FTSE Russell, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Đối với pre-funding, ông Quang cho rằng, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX sắp được đưa vào vận hành là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. Các công ty chứng khoán có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam đánh giá, áp dụng mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding.

Còn với vấn đề room ngoại, các đại biểu thống nhất cần đẩy nhanh áp dụng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết trong bối cảnh các quy định pháp lý cho sự ra đời của sản phẩm này đã được ban hành đầy đủ.

T.HẰNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-5740953.html