Nâng cấp sản phẩm du lịch truyền thống, tránh mạnh ai nấy làm

Để ngành du lịch hồi phục, phát triển đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp nâng cấp sản phẩm truyền thống, xây dựng tour mới Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ do Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức ngày 5/7.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt nêu rõ, Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có.

Các đại biểu hiến kế triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải... chưa tạo hình thành việc kết nối, chia sẻ trong quá trình kinh doanh. Đồng thời hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao... “Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP sẽ tạo cơ sở cho ngành du lịch khắc phục những điểm yếu này”- ông Việt nhấn mạnh.

Để ngành du lịch hồi phục, phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (Vita) Vũ Thế Bình cho biết, Hiệp hội đã đưa ra 8 mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; Phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; Đa dạng hóa thị trường du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; Tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch…

Khách du lịch quốc tế thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam

Tại hội nghị, các đại biểu có chung ý kiến, để thu hút du khách nhất là khách quốc tế đòi hỏi du lịch các tỉnh thành đẩy mạnh liên kết xây dựng tour đặc trưng chuyên biệt vùng miền, từ đó hạn chế tình trạng mạnh ai nấy làm. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết, nhằm phát huy, khai thác thế mạnh địa lý khu vực Tây Bắc, du lịch Hà Giang đã liên kết với tỉnh Cao Bằng xây dựng tour du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với thắng cảnh nước non Cao Bằng thành sản phẩm đặc trưng cho các tỉnh Tây Bắc.

Khách du lịch quốc tế thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Lux Group Phạm Hà hiến kế, hiện du lịch Việt Nam rất mạnh khai thác tour biển đảo, trong khi tại nhiều tỉnh thành còn có hệ thống sông ngòi để xây dựng tour du lịch đường sông. “Thái Lan đã rất thành công trong việc xây dựng khai thác tour sông Chao Phraya, đây là mô hình mà những tỉnh thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… nên học tập để tổ chức tour mới. Chẳng hạn du lịch Hà Nội nên liên kết với những tỉnh lân cận như Hưng Yên, Phú Thọ nâng cấp tour du lịch sông Hồng trở thành tour đặc trưng vùng miền”-ông Hà nêu ví dụ.

Tham góp của các đại biểu cho thấy, muốn triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ đòi hỏi ngành du lịch trên cơ sở năng lực, định hướng kinh doanh tập trung nâng cấp các sản phẩm cũ. Đồng thời chọn lựa và xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm tạo ra hệ thống các sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách trong giai đoạn mới.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-cap-san-pham-du-lich-truyen-thong-tranh-manh-ai-nay-lam.html