Mỹ kể tên những nước muốn mua Su-57, có nước láng giềng với Việt Nam

Theo đánh giá của tờ Quan sát quân sự của Mỹ; hiện tại có rất nhiều quốc gia đang để mắt tới loại chiến đấu cơ Su-57 của Nga, trong đó có một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Trong Tổ chức An ninh tập thể của các quốc gia hậu Xô Viết, Kazakhstan luôn là khách hàng hàng đầu cho các loại vũ khí mới của Nga. Đáng chú ý nhất là việc Kazakhstan đã đặt mua một trong những loại máy bay chiến đấu mới, có tính năng tương đối cao của Nga là Su-30SM, để thay thế các mẫu máy bay cũ thời Liên Xô.

Điều thuận lợi cho Kazakhstan là quốc gia này được phép mua các máy bay chiến đấu của Nga với cùng mức giá mà Bộ Quốc phòng Nga đưa ra; điều này khiến các thương vụ mua mới rẻ hơn đáng kể so với các khách hàng khác.

Ngoài loại máy bay mới do Nga chế tạo là tiêm kích Su-30SM, hiện Không quân Kazakhstan còn đang khai thác hai loại máy bay chiến đấu hạng nặng, được kế thừa từ Liên Xô là Su-27 và MiG-31; có thể ít nhất một trong hai loại này (hoặc có thể là cả hai), sẽ được thay thế bằng Su-57.

Mặc dù Kazakhstan không phải quá lo lắng về an ninh không phận, cũng như với tốc độ sử dụng hiện tại, độ bền khung thân của những chiếc Su-27, dự kiến vẫn sử dụng an toàn được trong vòng một thập kỷ hoặc lâu hơn. Để thay thế Su-27, thì Su-57 và Su-30SM2 là những lựa chọn hàng đầu để thay thế.

Khách hàng tiềm năng tiếp theo là Ethiopia, một quốc gia đến từ châu Phi; đây cũng là một trong những khách hàng nước ngoài đầu tiên của chiến đấu cơ Su-27 và Ethiopia đã mua 18 chiếc máy bay loại này, vào cuối những năm 1990, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến với “người anh em” Eritrea.

Căng thẳng với Ai Cập và Sudan có nghĩa là khả năng tác chiến trên không của Ethiopia tiếp tục phải được củng cố, và Su-27 dự kiến sẽ bị loại khỏi biên chế muộn nhất là vào giữa những năm 2030, tiêm kích Su-57 vẫn là sự lựa chọn thay thế có lợi nhất.

Su-57 của Nga sẽ đảm bảo lợi thế về chất so với các máy bay chiến đấu tiềm năng của đối thủ như Su-35 của Ai Cập và MiG-29SE của Sudan, đồng thời cho phép Ethiopia tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ của cả hai quốc gia trên, nhờ khả năng tàng hình của Su-57.

Khách hàng tiềm năng tiếp theo của Su-57 là Ai Cập; sau khi chính phủ Hồi giáo thân phương Tây của nước này bị lật đổ vào năm 2013, Ai Cập nổi lên như một khách hàng hàng đầu cho các loại vũ khí của Nga. Về máy bay, Ai Cập đã mua MiG-29M và Su-35.

Khi thiết kế của Su-57 hoàn thiện, Ai Cập sẽ tìm cách mua Su-57, thay vì Su-35. Điều này sẽ mang lại lợi thế quyết định hơn, so với các máy bay đối thủ như tiêm kích F-15EX mà Israel dự kiến sẽ đặt hàng, và có thể là một khoản đầu tư hiệu quả hơn về chi phí, so với việc mua các máy bay chiến đấu thế hệ cũ.

Một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng có thể trở thành khách hàng tiềm năng của Su-57 đó là Myanmar. Trong bối cảnh quan hệ quốc phòng đang phát triển nhanh chóng giữa Nga và Myanmar, rất có thể Myanmar có thể quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu Su-57.

Hiện Không quân Myanmar đang sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29. Thực hiện quá trình hiện đại hóa của không quân nước này, năm 2018 Không quân Myanmar có ý mua 6 máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30SM và đặt thêm từ 6 đến 12 chiếc.

Với việc Myanmar thường xuyên có căng thẳng với nước láng giềng Bangladesh, do vậy Myanmar có thể trở thành khách hàng mua Su-57 trong thập kỷ tới. Đây có thể là một khoản đầu tư hiệu quả hơn về chi phí, so với việc mua số lượng lớn máy bay cấp thấp hơn.

Một khách hàng ở khu vực Đông Nam Á cũng có thể là khách hàng tiềm năng của máy bay Su-57 đó là Không quân Malaysia, hiện đang sử dụng hai loại máy bay chiến đấu của Nga, bao gồm MiG-29 và Su-30MKM.

Với việc nước láng giềng Singapore đang chuyển sang mua máy bay tàng hình F-35 tiên tiến hơn, với số lượng đáng kể từ Mỹ, Malaysia dự kiến sẽ hiện đại hóa phi đội của mình với các loại máy bay chiến đấu vượt trội của Nga.

Chỉ cần một phi đội Su-57 duy nhất, để thay thế số máy bay Su-30 và MiG-29 hiện có của Malaysia; việc thay thế này sẽ là một thay đổi cuộc chơi lớn đối với cán cân quyền lực trong khu vực. Su-57 có lợi thế về hiệu suất rất đáng kể so với F-35, điều này có thể bù đắp cho những nhược điểm về số lượng, nếu Malaysia mua Su-57 với số lượng nhỏ.

Một khách hàng tiềm năng tại Trung Đông không thể không kể đến, đó là Không quân Iran. Sau khi LHQ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào tháng 10/2020, hiện Iran đang tích cực đi tìm loại chiến đấu cơ phù hợp, để thay thế số máy bay chiến đấu đã hết niên hạn sử dụng của nước này.

Các quan chức Iran trước đây đã bày tỏ quan tâm đến việc mua Su-30SM từ Nga vào giữa những năm 2010, mặc dù các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và nền kinh tế khủng hoảng, dẫn đến chưa có hợp đồng nào được thực hiện.

Hiện nay phi đội F-14 của Iran đã gần 50 tuổi, Iran cần tìm kiếm một loại máy bay chiến đấu hạng nặng mới để thay thế. Với nền kinh tế Iran có khả năng sẽ cải thiện trong những năm tới, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có khả năng được dỡ bỏ, rất có thể Su-57 sẽ là sự lựa chọn thay thế xứng đáng cho số F-14 huyền thoại của nước này. Nguồn ảnh: Pinterest.

Các phi công thử nghiệm của Nga đẩy tiêm kích Su-57 tới giới hạn chịu đựng thiết kế. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/my-ke-ten-nhung-nuoc-muon-mua-su-57-co-nuoc-lang-gieng-voi-viet-nam-1543567.html