Mỹ 'bơm' viện trợ cho một nước Kavkaz để 'thoát' năng lượng Nga, Armenia - Azerbaijan hứa hẹn sau những leo thang mới
Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố tài trợ bổ sung cho một chương trình nhằm 'đảm bảo an ninh cho ngành năng lượng của Armenia'.
Hãng tin Azernews ngày 17/2 cho biết, USAID sẽ phân bổ thêm 5 triệu USD để đẩy nhanh việc triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng điện, giúp giảm sự phụ thuộc của Armenia vào khí đốt tự nhiên của Nga và Iran.
Dự án của USAID tại Armenia do Công ty Tetra Tech thực hiện. Sau khi được cấp thêm kinh phí, ngân sách của dự án sẽ lên tới 15,7 triệu USD.
Thông báo của USAID có đoạn: “Với nguồn tài trợ bổ sung, Tetra Tech sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ khác để đẩy nhanh thực hiện các dự án quan trọng trong ngành điện nhằm tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc của Armenia vào khí đốt tự nhiên của Nga và Iran”.
Trong diễn biến mới liên quan căng thẳng vùng Kavkaz, cùng ngày, AFP đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc gặp 3 bên với người đồng cấp Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bên lề Hội nghị An ninh Munich.
Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Đức hối thúc Armenia và Azerbaijan nhanh chóng hoàn tất các cuộc đối thoại hòa bình, đồng thời hoan nghênh cam kết của Baku và Yerevan giải quyết các vấn đề cũng như những khác biệt trong lập trường thông qua các biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực.
Giới quan sát nhận định, mặc dù Armenia và Azerbaijan không đưa ra tuyên bố chính thức sau cuộc thảo luận, song cam kết tránh xung đột cho thấy căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sáng cùng ngày, cũng tại Munich, Thủ tướng Armenia đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó đề cập diễn biến "leo thang mới" trong quan hệ Baku-Yerevan. Theo kế hoạch, Tổng thống Azerbaijan cũng sẽ có cuộc thảo luận riêng với Ngoại trưởng Mỹ trong ngày 17/2.
Trước đó, ngày 13/2, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc nhau châm ngòi cho cuộc giao tranh mới qua biên giới giữa hai nước. Phía Armenia cho biết 4 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước nối lại nỗ lực đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 năm.
Hai quốc gia láng giềng ở vùng Nam Kavkaz này đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập với Armenia.