Mục tiêu tinh gọn bộ máy nhưng vẫn hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có sự nỗ lực của toàn Đảng và hệ thống chính trị
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 12/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Theo Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự thảo Luật có bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015). Dự thảo Luật tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.
![Phiên thảo luận tại Tổ 2 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_101_51461045/cf56714f4601af5ff610.jpg)
Phiên thảo luận tại Tổ 2 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh).
Cụ thể, dự thảo Luật tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm tại Điều 14; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội: Theo hướng xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ, chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội với tính chất linh hoạt cao; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật; dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Luật bổ sung quy định về các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Cần sửa đổi, bổ sung khoảng hơn 5.000 văn bản pháp luật và dưới luật
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 2 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành đến nay đã được 8 năm và đã có sơ kết, tuy nhiên hiệu quả còn chưa rõ rệt.
Thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết 18 đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện, qua rà soát, cần sửa đổi, bổ sung khoảng hơn 5.000 văn bản pháp luật và dưới luật.
![Chủ tịch nước Lương Cường nêu ý kiến thảo luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_101_51461045/e1693470033eea60b32f.jpg)
Chủ tịch nước Lương Cường nêu ý kiến thảo luận.
Để đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy nhưng vẫn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo như Nghị quyết 18-NQ/TW, Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, cần có sự nỗ lực của toàn Đảng và hệ thống chính trị.
Cải cách thể chế được xác định là một trong 03 đột phá chiến lược bên cạnh đột phá về nguồn nhân lực và hạ tầng để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 18. Do đó, đặt ra tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 lần này cần phải sửa đổi, hoàn thiện 4 dự thảo Luật rất quan trọng, trong đó có dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), cùng với 5 nghị quyết liên quan.
Nêu rõ thành phố Hồ Chí Minh có vai trò là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế là rất quan trọng để thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Do vậy, những đóng góp của các đại biểu cần bám sát thực tiễn, để đảm bảo việc sửa luật đáp ứng nhu cầu tốt hơn, mạnh hơn.
Bộ trưởng, Trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật
Thảo luận tại tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk và Hậu Giang), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật năm 2015). Số điều giảm đi, rút khỏi luật là những quy định về nghị định, thông tư, thực hiện theo đúng quan điểm mới về xây dựng pháp luật là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để chủ động điều hành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hướng tới là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình; cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng.
"Trước đây, cơ quan trình làm 50-60% rồi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải vào cuộc rất vất vả. Có luật, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội phải ngồi 7-8 cuộc. Tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng Bộ trưởng, Trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật; không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_101_51461045/88d569cc5e82b7dcee93.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định nội dung ban hành nghị quyết của Chính phủ tại khoản 2 Điều 4, tránh trùng lặp nội dung khi ban hành nghị định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét thông qua trong 1 kỳ họp nhưng chỉ quy định chung theo hướng là tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến các nhau.