Một thời ở vùng giáp biên
Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vùng giáp biên của Gia Lai vẫn âm u rừng, giao thông còn là đường đất. Việc đi lại đa phần là băng rừng. Cao điểm mùa mưa, hầu hết phương tiện vận chuyển đều khó vào được đến vùng sâu. 6 tháng mùa mưa, vùng biên luôn ở vào thế cô lập, cuộc sống của người dân gần như tự cấp tự túc.
Năm 1985, tôi trong đoàn cán bộ nhận nhiệm vụ tăng cường tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Hành trang mang theo gồm võng màn, ba lô quần áo, giày dép, gạo mắm, xoong nồi bát đũa, cả đôi thùng gánh nước bằng tôn to tướng… Xe u oát của cơ quan đưa chúng tôi xuống trung tâm huyện. Từ huyện phải nhờ xe máy cày bánh lớn chở vào đến ngã ba Plei Me thì trơn trượt lầy lội, xe không thể bò thêm được nữa, chúng tôi đành phải mang vác đi bộ băng qua những lối mòn đồi dốc. Qua vùng đất đỏ, tiếp đến vùng đất trắng toàn rừng khộp. Rừng khộp mùa mưa buồn và đẹp. Cả một vùng đất bằng chạy tít tắp về hướng biên giới. Cây dầu cao vút, mọc đều tăm tắp. Dưới mặt đất là cỏ xanh rì mướt mát, xen lẫn những bụi le tua tủa măng. Những nơi đất thấp, nước trũng lại như những cái hồ nhỏ đầy nhóc cua cá. Dưới tán cây, qua một trận mưa nhu nhú những đám nấm lòng tong, nhìn thôi đã no mắt. Trên thân cây dầu, nở rộ những nhành hoa phong lan rừng đủ màu, thoang thoảng hương thơm. Chim rừng réo rắt gọi nhau… Quãng đường đi bộ vào xã ước chừng gần 50 km.
Thời ấy, đường vào Ia Lâu có 2 con suối mùa mưa nước rất lớn gọi là suối Nước Trong và suối Nước Đục. Mùa mưa, không có chiếc cầu nào bắc qua được, người dân muốn đi lại phải chặt những cây cổ thụ hai bên bờ cho chúng ngã đổ gác ngang qua suối mà làm cầu. Hàng hóa thông thường đều được gùi trên lưng đi trên cây gỗ mà qua suối. Thứ cồng kềnh, nặng nề thì chở bằng voi xuyên rừng vượt suối. Thời điểm ấy, Phòng Thương nghiệp huyện điều cho địa phương 1 con voi. Bình thường, voi được thả đi ăn trong rừng. Khi cần vận tải, người ta đưa voi về làm nhiệm vụ thồ hàng.
Đoàn chúng tôi ở tại làng xa nhất xã, giáp với những khu rừng vùng biên. Tôi gặp và nhớ mãi Anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu. Trước mắt tôi lúc ấy, người anh hùng lừng lẫy một thời thật giản dị, sống trong một ngôi nhà sàn nhỏ. Khi ấy, ông đang bị đau chân, sưng vù, mưng mủ. Sau khi thăm khám, anh Thám-cán bộ y tế tăng cường rửa vết thương và đưa cho ông mấy viên thuốc kháng sinh. Chỉ sau mấy hôm đã thấy ông Thu khỏe mạnh.
Nhiệm vụ của chúng tôi khi ấy chủ yếu là tham gia tuyên truyền, vận động người dân chăm lo sản xuất, tiếp thu cái mới, cái hay, cái tiến bộ và đặc biệt là không nghe lời kẻ xấu. Các buổi tuyên truyền tập trung, dân làng đến nghe rất đông, rất chăm chú.
Bây giờ, trở lại Ia Lâu, cuộc sống của người dân đổi thay, buôn làng khởi sắc đến ngỡ ngàng. Giao thông thủy lợi kiên cố đã về đến từng làng. Những khu đất hoang hóa khi xưa đã trở thành cánh đồng lúa nước 2 vụ tốt tươi. Vùng Ia Lâu đã trở thành vựa lúa, với phẩm cấp gạo ngon nổi tiếng ở Gia Lai.
Nhớ lại những đợt tăng cường dài ngày ở các làng vùng sâu, vùng xa một thời khó khăn gian khổ, trong tôi lại đầy ắp bao nhiêu kỷ niệm ấm áp, với những trải nghiệm thú vị trong đời.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202211/mot-thoi-o-vung-giap-bien-5795255/