Công diễn vở cải lương chính luận - nghệ thuật 'Nợ nước non' vào tối 17/11
Tối 17/11, tại Hà Nội diễn ra chương trình sân khấu sử thi 'Nợ nước non' trong tác phẩm sử thi 'Nước non vạn dặm'. Đây là hoạt động thiết thực do Học viện An ninh Nhân dân phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức biểu diễn nhằm tôn vinh và kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).
Vở cải lương được công diễn tại Học viện An ninh Nhân dân có ý nghĩa đặc biệt khi gắn liền với sứ mệnh giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam, đồng thời truyền tải những bài học về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, giúp hiểu rõ hơn về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh – một tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam tới thế hệ trẻ - những người đang và sẽ cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Vở Cải lương chính luận - nghệ thuật “Nợ nước non” tái hiện một phần trang sử xúc động, chân thực, cao đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình, quê hương của Người, đất nước, nhất là tuổi trẻ của Người trước lúc ra đi tìm đường cứu nước. Không chỉ là ký ức lịch sử, vở kịch khắc họa, luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, lịch sử hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5 tháng 6 năm 1911.
Qua các lớp kịch, hiện lên sinh động, sâu sắc gia đình Bác Hồ với truyền thống nho học, yêu nước thương nòi. Những cuộc đàm đạo văn chương, thế sự của thân phụ Bác với các vị túc nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… đã nhen lên trong tâm khảm Nguyễn Sinh Cung và người chị, người anh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc. Chị gái của Bác - bà Nguyễn Thị Thanh, anh trai Bác - ông Nguyễn Sinh Khiêm, đều được học hành chu đáo, tham gia các hoạt động yêu nước, đều bị chính quyền thực dân, phong kiến cầm tù, tra tấn, quản chế. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi ấu thơ của Bác, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lòng yêu nước nồng nàn của Bác.
Vở Cải lương cũng cho thấy những người có tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến tình cảm, nhận thức, tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Sinh Cung khi sống và học tập tại Huế; là tấm gương yêu nước, thương nòi của vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân, quan Thượng thư Đào Tấn, họa sỹ Lê Huy Miến (Lê Văn Miến) và trước đó mấy chục năm là nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ…
Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; khẳng định con đường cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là đúng đắn, sáng tạo; tôn vinh, tri ân sâu sắc những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế; khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chương trình sân khấu sử thi “Nợ nước non” trong tác phẩm sử thi “Nước non vạn dặm” của tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ và được dàn dựng lại bởi TS, NSND Triệu Trung Kiên – Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Buổi biểu diễn được tổ chức tại Hội trường của Học viện An ninh Nhân dân vào tối 17/11/2024, với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên, khách mời từ các cơ quan ban ngành và đặc biệt là sự hiện diện của tác giả vở kịch PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ. Ông sẽ có những tâm sự về vở kịch, nội dung ý nghĩa sâu sắc tới đông đảo khán giả trước khi vở diễn bắt đầu.
Vở cải lương được công diễn tại Học viện An ninh Nhân dân có ý nghĩa đặc biệt khi gắn liền với sứ mệnh giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam, đồng thời truyền tải những bài học về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, giúp hiểu rõ hơn về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh – một tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam tới thế hệ trẻ - những người đang và sẽ cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
NSND Triệu Trung Kiên – Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: Vở cải lương được công diễn tại Học viện An ninh Nhân dân mong muốn thông qua giá trị nghệ thuật Cải lương, truyền cảm hứng đến người dân, thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên những chiến sĩ công an tương lai ghi nhớ công lao và dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường ra đi tìm đường cứu nước, đồng thời, nhằm khích lệ, động viên để nhà hát tiếp tục ra những tác phẩm tiếp theo. Kỳ vọng sẽ có nhiều chương trình, đất diễn hơn nữa để nghệ sĩ Cải lương được hoạt động, phát huy những giá trị cốt lõi dân tộc.