Miền Trung đối mặt tổ hợp thiên tai, mưa lũ lớn còn diễn biến khó lường
Các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu tổ hợp thiên tai gồm cả mưa lớn, lũ lớn gây ngập lụt và sạt lở đất ở nhiều nơi. Tại Thừa Thiên - Huế, tình hình mưa lũ đã vượt qua 3 kịch bản ứng phó.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ ở miền Trung, ngày 15/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả.
Công điện nhắc lại tình hình từ ngày 12/11 đến nay, tại khu vực Trung Bộ xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt, sạt lở đất, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhất là tại TP Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy,…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, bị ngập sâu chia cắt; không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở; không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, đêm 14 đến ngày 15/11, nước lũ dâng nhanh, bủa vây, chia cắt các tuyến đường trung tâm ở TP Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều người dân phải thuê ghe đò, ôm thùng xốp bơi giữa dòng nước để về nhà.
Thương tâm hơn cả là việc 2 mẹ con tử vong và mất tích trong vụ lật ghe ở TP Huế, vào sáng 15/11. Khi đó, 6 người dân từ phường Hương Sơ (TP Huế) đi cùng 1 chiếc ghe do chị H.T.B. (SN 1983) và con gái là N.T.H. (SN 2005, cùng trú phường Hương Sơ) chèo lái, đến chợ Phú Hậu (TP Huế) để mua lương thực tích trữ.
Trên đường trở về, qua khu vực Đập Hậu (thuộc phường Hương Vinh), bất ngờ gặp nước lũ chảy xiết khiến ghe bị lật, cả người 8 người rơi xuống dòng nước lũ.
Lực lượng chức năng cứu được 6 người, nhưng chị H.T.B. và con gái đều mất tích. Đến đầu giờ chiều, thi thể chị B. được tìm thấy.
Mưa lũ vượt qua mọi kịch bản ứng phó
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ 7h đến 16h ngày 15/11, mưa lũ miền Trung đã khiến 2 người chết, 3 người mất tích tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng loạt tuyến đường giao thông bị chia cắt, sạt lở...
Chiều 15/11, đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế. Địa phương xây dựng 3 kịch bản ứng phó, nhưng đến nay tình hình mưa lũ đã vượt qua mọi kịch bản. Lượng mưa đổ về các hồ chứa rất lớn.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin thêm, trước đó dự báo từ 13-17/11, lượng mưa các đợt từ 250-500mm, nhưng đã xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, trong 24 giờ đạt trên 800mm.
Theo ông Hòa, nếu lượng mưa này trong 3-5 ngày sẽ khác. Đây là đợt mưa cực đoan, bất thường, gây ngập diện rộng cũng như đột biến, lưu lượng đến các hồ chứa rất lớn, tần suất lũ lên rất nhanh.
Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho hay, công tác chỉ đạo và phối hợp với đơn vị quản lý hồ thủy lợi Tả Trạch được thực hiện nhịp nhàng, góp phần điều tiết hợp lý nguồn nước, vừa đảm bảo cắt lũ, vừa đảm bảo an toàn hồ đập.
Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ người dân ở những khu vực bị ngập sâu theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo đủ lương thực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, đợt mưa lớn lần này diễn biến khá nhanh, do đó mực nước trên sông Hương và sông Bồ nhanh chóng đạt trên dưới báo động 3.
Đỉnh lũ trên sông Hương đang có xu hướng đi xuống, nhưng lũ trên sông Bồ đang lên và diễn biến phức tạp.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với tỉnh là nguy cơ sạt lở ở các khu vực sườn đồi núi đang ở mức cảnh báo cao. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, di dời người dân ở vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn”, ông Phương nhấn mạnh.
Báo cáo từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện có khoảng 14.800 ngôi nhà đang bị ngập với mức độ khác nhau.
Ngoài ra, cũng trong tối 14 đến sáng 15/11, tại TP Hội An (Quảng Nam) đã xuất hiện đợt lũ lớn nhất từ đầu năm đến nay. Người dân phải dùng thuyền di chuyển, chính quyền dựng rào chắn tại các đường ngập sâu.
Chiều cùng ngày, khi nước trên sông Hoài rút, người dân tranh thủ dọn dẹp, đẩy bùn đất chuẩn bị đón du khách trở lại.
Miền Trung tiếp tục mưa lớn diện rộng
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hôm nay (16/11), khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Trong ngày và đêm nay, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; Quảng Trị và khu vực từ Phú Yên đến Ninh Thuận lượng mưa thấp hơn, từ 100-150mm, có nơi trên 250mm. Từ 17/11, mưa lớn trên các khu vực giảm dần.
Riêng Thừa Thiên - Huế, Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua (từ 1h ngày 15 đến 1h sáng nay), trên địa bàn có mưa đến đặc biệt to với lượng mưa 100-625mm.
Dự báo từ hôm nay đến ngày mai (17/11), khu vực này tiếp tục mưa với lượng 100-200mm, có nơi trên 300mm. Trong đó, mưa lớn tập trung ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy với mức cao nhất trên 320mm, tiếp đó là huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và TP Huế mức 300mm.
TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, nhận định, lượng mưa sẽ tiếp tục lớn ở thượng nguồn, trung du và hạ du của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong đêm 15 và ngày 16/11.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, mực nước dưới hạ lưu TP Huế và các huyện ven biển đã cao hơn mức lũ tháng 10/2020, và đều đã cao hơn báo động 3. Đặc biệt lưu ý khu vực hạ lưu hồ Tả Trạch là TP Huế. Mực nước sông Hương có thể lên tới mức 4,3-4,4m (cao hơn đỉnh lụt năm 2020 từ 20-30cm), thậm chí cao hơn vào ngày 16/11.
Cập nhật diễn biến mưa lũ trên địa bàn sáng sớm nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế lưu ý, từ đêm qua đến sáng nay, mực nước sông Hương có xu hướng giảm. Tuy nhiên, mọi người chú ý không nên hạ đồ đạc xuống vì mực nước có thể lên lại trong hôm nay đến ngày mai khi mưa lớn còn tiếp diễn.
Theo bản tin 3h30 sáng nay (16/11) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) đã đạt đỉnh và xuống chậm, đỉnh lũ tại Phú Ốc 4,99m (19h ngày 15), trên báo động 3 là 0,49m.
Hiện tại, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang xuống và ở mức trên BĐ3; mực nước trên sông Vu Gia (Quảng Nam) và sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đang lên; các sông ở Quảng Trị, từ Quảng Nam đến Phú Yên có dao động.
Cụ thể, mực nước lúc 1h ngày 16/11 trên các sông như sau:
- Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 4,79m, trên BĐ3: 0,29m;
- Sông Hương (Thừa Thiên Huế) tại Kim Long 3,66m, trên BĐ3: 0,16m;
- Sông Vu Gia (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa 7,79m, dưới BĐ2: 0,21m;
- Sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại Trà Khúc 5,38m, trên BĐ2: 0,38m.
Dự báo, trong 6 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia và sông Trà Khúc có khả năng đạt đỉnh, sau đó xuống chậm, đỉnh lũ trên sông Vu Gia và sông Trà Khúc ở trên mức BĐ2, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục xuống.
Trong 6-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, sông Vu Gia và sông
Trà Khúc tiếp tục xuống; mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở trên mức BĐ2, sông Vu Gia ở trên mức BĐ1, sông Trà Khúc xuống dưới mức BĐ1.
Cảnh báo, từ nay đến 17/11, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Trên các sông ở Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
TS. Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, trong thời điểm mưa lũ diễn biến phức tạp, ai đang ở nơi an toàn tuyệt đối không di chuyển ra ngoài nếu không có việc thật sự quan trọng.
- Những người ốm hoặc có thể chuyện dạ trong vài ngày tới thì cần liên hệ với đội cứu hộ chuyên nghiệp.
- Sinh viên đang ở trong các phòng trọ thấp trũng, chỉ có 1 lối ra cửa chính thì liên hệ chủ nhà để di chuyển đến nhà hàng xóm cao tầng trú tạm.
- Không nên thuê thuyền nhỏ để di chuyển trên sông, đường ngập sâu, khu có mặt nước rộng.
- Những người lái thuyền dịch vụ nếu không có áo phao cho khách, tuyệt đối không mang thuyền ra chở khách.
- Khách thấy thuyền không có áo phao, tuyệt đối không lên thuyền dù việc có cấp thiết đến mấy.
- Hãy tiết kiệm nước uống và nhu yếu phẩm nếu ít nhu yếu phẩm. Cần chia ra sử dụng ít nhất tới ngày 18/11.
- Hãy tiết kiệm pin điện thoại để giữ liên lạc với người thân và gọi cứu hộ khi cần thiết. Nếu trong nhà có laptop, hãy dùng laptop để nạp điện cho điện thoại nếu điện thoại hết pin.