Mang tới 'gia vị lạ' trong phim Việt

Không 'gióng trống khua chiêng', không diễn viên hạng A nhưng, sức hút của phim 'Lối về miền hoa' được khán giả khen ngợi về kịch bản, chất diễn tự nhiên của dàn diễn viên chính khi mà trước đó họ chỉ được 'nhắm' đến tuyến vai phụ.

Phim "Lối về miền hoa" khai thác sắc màu tuổi trẻ với nhiều tình tiết mới lạ, hấp dẫn

Phim "Lối về miền hoa" khai thác sắc màu tuổi trẻ với nhiều tình tiết mới lạ, hấp dẫn

Sau bộ phim “Mùa hoa tìm lại”, đạo diễn Vũ Minh Trí tiếp tục chủ đề mạch phim về hướng nghiệp, lập nghiệp của thanh niên nông thôn với bộ phim “Lối về miền hoa”. Điều đặc biệt là đề tài cũ nhưng với lối kể chuyện mới, lạ, tạo tình tiết “drama”, bộ phim nhận được yêu thích của khán giả sau ngày đầu khởi chiếu.

Các clip ngắn được cắt từ phim, đăng tải rầm rộ trên các trang fangage mạng xã hội, thu hút lượng theo dõi và bình luận.

Số đông khán giả bình luận, bộ phim “Lối về miền hoa” đã khắc họa chân thực cuộc sống, tình yêu của thanh niên nông thôn, người trẻ xem sẽ thấy mình trong đó, người trưởng thành sẽ nhìn thấy một phần thanh xuân của mình đã đi qua. Bộ phim hay, nhẹ nhàng, gần gũi đan xen với các tình huống hài, dí dỏm.

Điểm cộng lớn nhất của phim chính là lối diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên trẻ. Nam chính Trọng Lân (vai Lợi) đã lột xác từ tuyến vai phụ, hình ảnh “trai hư”, ngổ ngáo trước đây, gây bão với màn “mượn rượu tỏ tình” với cô gái quê đanh đá. Riêng nữ chính Anh Đào (vai Thanh), cô diễn xuất nhập vai, gần gũi dù đây là màu sắc nữ chính ít được khai thác trên truyền hình.

Nếu tuyến vai nam – nữ chính là mối quan hệ theo mô-típ “oan gia ngõ hẹp” thì tình bạn trượng nghĩa của “ba chàng lính ngự lâm” gồm Lợi, Linh (Đức Anh), Bão (Mạnh Quân) được khán giả nhận xét là duyên dáng, hài hước.

"Ba chàng lính ngự lâm" gây nên nhiều tình tiết dở khóc, dở cười xuyên suốt bộ phim

"Ba chàng lính ngự lâm" gây nên nhiều tình tiết dở khóc, dở cười xuyên suốt bộ phim

Điều gây chú ý, dàn diễn viên “Lối về miền hoa” trước đây được khán giả biết tới khi đảm nhận các tuyến vai phụ thì nay đã được “đôn” lên vai chính. Trái ngược với tâm lý lo lắng của khán giả, diễn xuất của Trọng Lân, Anh Đào, Đức Anh hoàn toàn chinh phục người xem.

Lần đầu đảm nhận vai nữ chính, một cô gái 25 tuổi với tính cách thẳng thắn, bộc trực, đôi khi hơi bốp chát, Anh Đào đã nỗ lực hết mình để thể hiện tròn vai diễn. Nữ diễn viên SN 1996 thường quen thuộc với ánh đèn sân khấu nên việc đảm nhận vai nữ chính trên truyền hình là một áp lực.

Đối với Trọng Lân, vai Lợi được đánh giá là phiên bản “lột xác” thú vị. Dù vẫn đảm nhận vai chàng công tử nhà giàu, điểm khác biệt của Lợi là có chí tiến thủ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Theo Trọng Lân, khán giả thường gắn mác là “trai hư” màn ảnh thế nên với vai Lợi, anh muốn đổi màu diễn xuất, tìm tòi xây dựng hình tượng khác lạ.

Đảm nhận vai phụ, Đức Anh (vai Linh “nấm”) mang tới màu sắc quen thuộc, “cây hài” xuyên suốt bộ phim. Được biết, sau vai Núi phim “Mùa hoa tìm lại”, Đức Anh nỗ lực giảm cân nhưng khi được đạo diễn Vũ Minh Trí mời đóng phim, anh không ngần ngại tăng cân trở lại để phù hợp với tạo hình nhân vật.

Thể hiện sắc màu tuổi trẻ, kịch bản phim được biên kịch Trịnh Khánh Hà đan xen nhiều mảnh ghép ngoài đời thực về câu chuyện tình yêu, khởi nghiệp. Chuyện anh chàng cán bộ công chức trăng hoa, thực dụng hay câu chuyện tình yêu chớm nở của Lợi với Thanh, nhóm thanh niên khởi nghiệp… tất cả tạo nên một cuộc sống sinh động, gần gũi. Thông điệp bộ phim gửi tới là lối sống tích cực, thái độ dấn thân, bước qua va vấp nhưng không nản chí.

Thời gian gần đây, phim đề tài nông thôn bùng nổ trên sóng “giờ vàng” từ “Cô gái nhà người ta”, “Mùa hoa tìm lại”, “Phố trong làng”… Mỗi bộ phim một màu sắc khác nhau, khai thác đề tài riêng biệt tạo nên bức tranh đời sống thôn quê đa dạng, chân thực. Chính câu chuyện phim nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi khác biệt với hàng loạt drama tình yêu, hôn nhân, gia đình đã trở thành “gia vị lạ” cho phim Việt.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mang-toi-gia-vi-la-trong-phim-viet-279576.html