Mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người yếu thế

Nghề công tác xã hội đang ngày càng được nhiều người quan tâm và hiện đã trở thành một nghề chuyên nghiệp, nhất là trong bệnh viện, trường học, các cơ sở trợ giúp xã hội…

Chị Đỗ Thị Thúy, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và công tác xã hội tỉnh, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Ảnh: KIM CHI

Chị Đỗ Thị Thúy, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và công tác xã hội tỉnh, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Ảnh: KIM CHI

Không chỉ góp phần quan trọng vào việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và con người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người yếu thế và ổn định xã hội, nghề công tác xã hội (CTXH) còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, đất nước.

Làm nghề bằng tình thương và sự kiên trì

Hằng ngày, chị Đỗ Thị Thúy, cán bộ xã hội Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và công tác xã hội tỉnh nhận các ca trợ giúp trẻ em trong độ tuổi “ẩm ương” nên không hề dễ dàng để tư vấn, hỗ trợ về tâm lý. Khi đó, chỉ có sự kiên trì, kinh nghiệm và tình yêu thương mới có thể giúp chị tiếp cận và nhận được sự tin tưởng của các em.

“Trẻ em khó tiếp cận hơn người lớn. Chỉ khi trẻ em mở lòng thì nhân viên CTXH mới có thể trợ giúp, khích lệ chúng vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực. Khi trợ giúp đối tượng này, ngoài việc kết nối các dịch vụ, giới thiệu trị liệu tâm lý, gặp gỡ chuyên gia, tham gia các hoạt động, tôi còn lưu ý với gia đình phải luôn quan tâm, chăm sóc, theo dõi sức khỏe của trẻ. Đồng thời kết nối với Tổng đài 111 đánh giá quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ, cũng như tư vấn, trợ giúp các vấn đề pháp lý cho gia đình”, chị Thúy chia sẻ.

Chị Ksor Hờ Huy (42 tuổi) ở buôn Học, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh bị bệnh suy tủy, làm mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Vậy nên, dù cố gắng làm lụng vất vả nhưng mẹ con chị vẫn thiếu trước hụt sau, khó khăn về nhà ở.

Nhờ sự quan tâm, tư vấn chính sách kịp thời của các cán bộ làm CTXH, chị Hờ Huy vừa được hỗ trợ xây dựng nhà Tình thương có diện tích gần 25m2, mái lợp tôn và nền lát gạch men, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. “Tôi rất vui mừng khi có được căn nhà đủ để che mưa, che nắng. Giờ đây, tôi mong sao có đủ sức khỏe, bệnh tình thuyên giảm để còn lo cho con ăn học”, chị Hờ Huy cho biết.

Anh K Sor Y Loa, cộng tác viên CTXH xã Ea Lâm chia sẻ: Đặc thù của nghề CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em, người nghèo khó..., giúp họ vượt qua khó khăn bằng tình yêu thương; tư vấn, hỗ trợ họ về chính sách theo quy định của Nhà nước. Bởi vậy, khi biết hoàn cảnh của chị Hờ Huy, tôi đã nỗ lực hết mình, kêu gọi nhiều nguồn để hỗ trợ, đồng thời tìm hiểu các chính sách, quy định của Nhà nước để vận dụng giúp chị vượt qua khó khăn.

Theo ông Nay Y Tôn, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Sông Hinh, trên địa bàn huyện có 22 dân tộc cùng sinh sống, với 47,9% là người DTTS. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cuộc sống của người dân miền núi nói chung, bà con đồng bào DTTS nói riêng có nhiều đổi thay sâu sắc.

Xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế của đồng bào vẫn còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao, nhưng nhờ các cán bộ xã hội, mạng lưới cộng tác viên, nhân viên CTXH các xã, thị trấn kịp thời nắm bắt tình hình, các chương trình giúp người dân có kế sinh nhai, thoát nghèo bền vững, các nguồn vốn hỗ trợ…, bà con nghèo, những người yếu thế ổn định cuộc sống.

Hướng tới chuyên nghiệp

Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; 7 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc hàng trăm người yếu thế trong xã hội. Thời gian qua, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, sự chăm sóc, hướng dẫn tận tâm của các nhân viên, cộng tác viên CTXH, người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh được hỗ trợ kịp thời.

Đặc thù của nghề CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em, người nghèo khó..., giúp họ vượt qua khó khăn bằng tình yêu thương; tư vấn, hỗ trợ họ về chính sách theo quy định của Nhà nước.

Anh K Sor Y Loa, cộng tác viên CTXH xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Sau thời gian triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh, thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đến nay, nghề CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người.

Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng; các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho sở và tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho chính quyền địa phương, cơ sở và người dân. Đồng thời tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội; duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước chuyên nghiệp hóa và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn”, bà Thy cho biết thêm.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316617/mang-lai-niem-vui-hanh-phuc-cho-nguoi-yeu-the.html