M&A khối bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ: Bức tranh đối lập
Trong khi hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) của khối bảo hiểm nhân thọ trầm lắng, thì dòng chảy M&A ở khối phi nhân thọ khá mạnh mẽ, bên mua không chỉ đến từ khối ngoại, mà còn có cả các tên tuổi trong nước.
Khối bảo hiểm phi nhân thọ hấp dẫn nhà đầu tư
Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 30/9/2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 164.947 tỷ đồng, giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 58.443 tỷ đồng, tăng 12,8 % so với cùng kỳ 2023; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 106.504 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2023 của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2023 thị trường bảo hiểm Việt Nam có 82 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 32 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Phần lớn thị phần doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tập trung vào 5 doanh nghiệp hàng đầu, gồm: Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam - PVI (15,4%), Bảo Việt (14,2%), Bảo Minh (7,78%), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện - PTI (7,11%), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIC (6,9%).
Quy mô thị trường còn nhỏ, trong khi tiềm năng và mức độ tăng trưởng rất tốt là những lý do khiến thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư mới, nhất là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.
Đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, nếu có thêm vốn ngoại, họ sẽ có thêm nguồn vốn kinh doanh cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật…
Chẳng hạn, với PVI, các cổ đông lớn nước ngoài như HDI Global và IFC đã giúp Công ty áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, tiệm cận thông lệ quốc tế… Hiện tại, PVI là doanh nghiệp bảo hiểm nội địa đầu tiên triển khai Chuẩn mực Kế toán quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm (IFRS 17) và đã hoàn thiện khung quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế…
BIC cũng có những bước tiến mạnh mẽ sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là FairFax Asia Limited (Canada). BIC đang là một trong 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần bảo hiểm gốc và nằm trong top 3 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường.
Nằm trong top 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đang tìm cổ đông chiến lược phù hợp. Được biết, trong thời gian qua, MIC nhận được sự quan tâm của khá nhiều đối tác, trong đó có một tập đoàn của Hàn Quốc…
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam luôn là “miếng bánh” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong top 10 thị phần đều có sự góp vốn của các nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi. Chẳng hạn, “cặp đôi” DB (Hàn Quốc) và PTI; Samsung Fire & Marine Insurance mua 20% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) để trở thành cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp này; Hyundai Marine & Fire Insurance mua 25% cổ phần của VietinBank Insurance, đồng thời trở thành cổ đông lớn thứ 2 (sau cổ đông lớn nhất là VietinBank)…
Tập đoàn DB đang là tên tuổi gây chú ý khi thực hiện cùng lúc 2 thương vụ mua 75% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) vào đầu năm 2024. Thương vụ này cho thấy tham vọng lớn của DB tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Giới quan sát nhận định, có 2 nguyên nhân dẫn đến sự đổ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc vào Việt Nam.
Thứ nhất, do thị trường bảo hiểm Hàn Quốc đang bắt đầu bão hòa, không còn tăng trưởng tốt như giai đoạn trước, nên các doanh nghiệp bảo hiểm muốn hướng ra thị trường nước ngoài để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có đà tăng trưởng ổn định, với mức tăng trung bình 2 con số mỗi năm. Việt Nam có dân số đông, tỷ trọng người mua bảo hiểm chưa cao, nên còn nhiều tiềm năng để phát triển.
M&A trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ không chỉ là “đặc quyền” của khối ngoại. Thời gian qua, một số tập đoàn kinh tế trong nước cũng tiến hành mua lại các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần nhỏ để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Đơn cử, Tasco mua 100% vốn điều lệ công ty bảo hiểm từ Tập đoàn Groupama Assuances Mutuelles (Pháp) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco. Đầu tháng 10/2024, Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) chính thức được thành lập, trong đó Techcombank góp vốn 11%...
Khối bảo hiểm nhân thọ ngày càng thiếu vắng thương vụ M&A
Trái ngược với sự sôi động của làn sóng M&A trong khối bảo hiểm phi nhân thọ, vài năm gần đây, khối bảo hiểm nhân thọ không có thương vụ nào đáng chú ý.
Xu hướng mua lại cổ phần tại các liên doanh bảo hiểm nhân thọ để chuyển đổi thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài (hoặc trong nước) đã hoàn tất từ những năm trước. Các thương vụ có thể kể đến như Tập đoàn Aviva mua lại 50% cổ phần của liên doanh bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva từ VietinBank và Aviva Việt Nam trở thành công ty con 100% vốn của Tập đoàn Aviva. Vài năm sau, Aviva Việt Nam được bán lại cho Manulife và được đổi tên thành MVI Life, hoạt động độc lập với Manulife Việt Nam.
Những năm trước đó, thị trường chứng kiến thương vụ liên doanh bảo hiểm nhân thọ giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif bán lại cho Tập đoàn FWD. Trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết, mối quan hệ “công ty con cùng tập đoàn” với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (thành viên của FWD Group) chấm dứt từ cuối tháng 3/2022. Theo đó, từ giữa năm 2022, hai công ty cùng chung phần tên gọi “FWD Việt Nam” hoạt động trên thị trường bảo hiểm, nhưng thuộc về hai chủ sở hữu khác nhau.
Sau các thương vụ liên doanh nhập và tách, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có 19 công ty, trong đó chỉ còn 2 công ty hoạt động theo hình thức liên doanh là BIDV MetLife (liên doanh giữa Công ty TNHH MetLife, BIDV và BIC), MB Ageas Life (do 3 đối tác góp vốn, gồm: Ngân hàng TMCP Quân đội, Tập đoàn Ageas và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai Life).
Chia sẻ về xu hướng M&A trong ngành bảo hiểm tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, CEO một công ty bảo hiểm nhận định, đối với bảo hiểm nhân thọ, xu hướng “mua đứt, bán đoạn” để sở hữu 100% vốn sẽ được ưu tiên hơn so với xu hướng liên doanh như giai đoạn trước. Một trong những lý do thúc đẩy xu hướng này là sự phát triển còn khá mờ nhạt của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam, khiến hình thức này không được các tập đoàn tài chính ưa chuộng.n