Lực lượng Hamas và cơn ác mộng với Israel

Ngày 7/10, Hamas - nhóm vũ trang Palestine đang kiểm soát Dải Gaza, đã thực hiện cuộc tấn công tên lửa bất ngờ vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel, khiến hệ thống lá chắn phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Nhà nước Do Thái không kịp trở tay.

Các tay súng Hamas ở Dải Gaza, năm 2022. Ảnh: EPA

Các tay súng Hamas ở Dải Gaza, năm 2022. Ảnh: EPA

Cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas - lực lượng kiểm soát Dải Gaza nổ ra, sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công tên lửa bất ngờ vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel. Các tay súng Hamas cũng đổ bộ vào nhiều thị trấn và khu dân cư Israel bằng đường bộ, đường biển và dù lượn trên không.

Một loạt tên lửa được bắn từ thành phố Gaza về phía Israel, ngày 7/10. Ảnh: AFP

Một loạt tên lửa được bắn từ thành phố Gaza về phía Israel, ngày 7/10. Ảnh: AFP

Ông Mohammad Deif, chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang Hamas kiểm soát Dải Gaza, tuyên bố phát động chiến dịch "Cơn bão Al-Aqsa" - "cuộc chiến lớn nhất nhằm chấm dứt chế độ chiếm đóng" do Israel áp đặt tại Palestine. Lãnh đạo Hamas nhấn mạnh rằng đây là chiến dịch đáp trả lại "những cuộc tấn công ngày càng leo thang" của Israel nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây và Jerusalem.

Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, đồng thời cảnh báo quân đội nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ để tiêu diệt lực lượng Hamas. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngay sau đó đã tiến hành các cuộc không kích nhằm đáp trả Hamas tại loạt địa điểm ở Dải Gaza.

Hamas là ai?

Theo Al Jazeera, Hamas là viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo, còn trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “lòng nhiệt thành”. Nhóm này kiểm soát chính trị Dải Gaza – một vùng lãnh thổ rộng khoảng 365 km2 với dân số hơn 2 triệu người, nhưng bị Israel phong tỏa.

Phong trào Hamas được thành lập ở Gaza vào năm 1987 bởi nhà lãnh tụ Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin và phụ tá là Abdul Aziz al-Rantissi ngay sau khi bắt đầu phong trào kháng chiến Intifada đầu tiên nổ ra. Đây là một cuộc nổi dậy của người Palestine nhằm chống lại sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của họ.

Một cuộc duyệt binh của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam thuộc Hamas, được tổ chức tại Gaza. Ảnh: Getty Images

Một cuộc duyệt binh của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam thuộc Hamas, được tổ chức tại Gaza. Ảnh: Getty Images

Phong trào Hamas bắt đầu như một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và thành lập một cánh quân có tên là Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam để theo đuổi cuộc đấu tranh vũ trang chống Israel và giải phóng Palestine.

Hamas lên nắm quyền ở Dải Gaza từ năm 2007 sau một cuộc đụng độ ngắn chống lại phong trào Fatah - lực lượng thuộc Chính quyền Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Fatah vốn được cộng đồng quốc tế, bao gồm Israel, công nhận là đại diện hợp pháp của người dân Palestine.

Những nguyên tắc của Hamas

Kể từ khi nắm quyền tại Dải Gaza, Hamas đã xảy ra nhiều cuộc xung đột với Israel, liên quan đến các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas vào Israel, cũng như các cuộc không kích và bắn phá của Israel vào Gaza.

Khác với PLO, Hamas từ chối công nhận nhà nước Israel nhưng chấp nhận một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967. Nhóm này cũng phản đối kịch liệt Hiệp định hòa bình Oslo do Israel và PLO đàm phán vào giữa những năm 1990.

Các lãnh đạo Hamas đã nhiều lần đe dọa sẽ xóa sổ nhà nước Israel và trục xuất tất cả người Do Thái khỏi khu vực. Nhóm này ủng hộ quan điểm không khoan nhượng trong nỗ lực thành lập một nhà nước Palestine dựa trên chủ nghĩa Hồi giáo chính thống trải dài từ phía đông Địa Trung Hải đến sông Jordan.

Phong trào Hamas bị Israel, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Canada, Ai Cập và Nhật Bản liệt vào danh sách tổ chức "khủng bố".

Đồng minh và người ủng hộ Hamas là ai?

Các chiến binh Hamas ngồi trên xe quân sự của Israel ở phía bắc Dải Gaza, ngày 7/10. Ảnh: Reuters

Các chiến binh Hamas ngồi trên xe quân sự của Israel ở phía bắc Dải Gaza, ngày 7/10. Ảnh: Reuters

Hamas là một phần của liên minh khu vực gồm Iran, Syria và nhóm Hezbollah ở Lebanon, tất cả đều phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Đông và Israel. Mặc dù cơ sở quyền lực nằm ở Dải Gaza, Hamas cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người Palestine, các lãnh đạo ở khu vực Trung Đông.

Mặt khác, Hamas và lực lượng Hồi giáo Jihah - nhóm vũ trang lớn thứ hai trong khu vực, thường đoàn kết chống lại Israel và là những thành viên quan trọng nhất của phòng hoạt động chung điều phối hoạt động quân sự giữa các nhóm vũ trang khác nhau ở Gaza.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhóm đã trở nên căng thẳng khi Hamas gây áp lực lên nhóm Jihad Hồi giáo để ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại Israel.

Một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ của Hamas là Iran. Mỹ và các đồng minh cáo buộc quốc gia Trung Đông này cung cấp vũ khí, công nghệ để Hamas có khả năng tấn công vào sâu trong lãnh thổ Israel.

Ngày 8/10, ông Ghazi Hamad, người phát ngôn của Hamas, trả lời phỏng vấn với BBC rằng nhóm này đã nhận "hỗ trợ trực tiếp" từ đồng minh Iran để thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel.

Lửa và khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza. Ảnh: AP

Lửa và khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza. Ảnh: AP

Theo Reuters, chỉ vài tiếng sau khi Hamas phát động tấn công, ông Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei, đã gửi lời chúc mừng Hamas. Ông nhấn mạnh Tehran sẽ sát cánh với các chiến binh Palestine "cho đến khi Palestine và Jerusalem được giải phóng".

Tuy nhiên, Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc sau đó cho biết, nước này không liên quan đến cuộc tấn công mới nhất của phong trào Hamas vào Israel.

"Chúng tôi kiên quyết ủng hộ Palestine, tuy nhiên chúng tôi không tham gia vào phản ứng của Palestine. Vì cuộc tấn công chỉ do chính Palestine thực hiện”, phái đoàn Iran nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Antoni Blinken gọi cuộc tấn công vào Israel là một "cuộc tấn công khủng bố của một tổ chức khủng bố". Ông cho biết, mặc dù Washington chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Iran đứng sau hỗ trợ nhóm chiến binh Hamas ở Dải Gaza thực hiện vụ tấn công mới nhất ở Israel, nhưng ông cũng lưu ý mối quan hệ lâu dài giữa hai bên.

Điều gì thúc đẩy Hamas thực hiện vụ tấn công ngày 7/10?

Ông Khaled Qadomi, phát ngôn viên của Hamas, nói với Al Jazeera rằng nhóm này đã thực hiện hoạt động quân sự của mình để đáp trả những hành động tàn bạo mà người Palestine phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua.

"Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế chấm dứt hành động tàn bạo chống lại người dân Palestine ở Gaza, những thánh địa của chúng tôi như Al-Aqsa (Nhà thờ Hồi giáo). Tất cả những điều này là lý do đằng sau việc bắt đầu trận chiến này", ông nói.

Hamas cũng kêu gọi các nhóm khác tham gia cuộc chiến, tuyên bố rằng các cuộc tấn công vào Israel hôm 7/10 chỉ là sự khởi đầu.

Hamas có nhắm vào dân thường không?

Ông Osama Hamdan, phát ngôn viên cấp cao của Hamas, nói với Al Jazeera rằng nhóm này không tấn công dân thường. Tuy nhiên, các video của chính nhóm này cho thấy các chiến binh của họ bắt giữ những người Israel làm con tin trong cuộc giao tranh.

Quan chức này cho biết Hamas chỉ tấn công những người định cư sống trong các khu định cư bất hợp pháp, những đối tượng mà ông mô tả là mục tiêu hợp pháp.

"Bạn phải phân biệt giữa người định cư và thường dân. Những người định cư đã tấn công người Palestine", ông Hamdan nói.

Lực lượng cứu hộ mang thi thể của những người được kéo ra khỏi các tòa nhà bị sập sau cuộc không kích của Israel ở Rafah, Gaza, ngày 9/10. Ảnh: Getty Images

Lực lượng cứu hộ mang thi thể của những người được kéo ra khỏi các tòa nhà bị sập sau cuộc không kích của Israel ở Rafah, Gaza, ngày 9/10. Ảnh: Getty Images

Khi được hỏi liệu những dân thường ở miền nam Israel có được coi là người định cư hay không, ông Hamdan nói: "Mọi người đều biết ở đó có những khu định cư. Chúng tôi không cố ý nhắm vào dân thường. Chúng tôi đã tuyên bố những người định cư là một phần của sự chiếm đóng và một phần của lực lượng vũ trang Israel. Họ không phải là thường dân".

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nói trong cuộc họp ngắn ngày 8/10, người phát ngôn quân đội Israel Richard Hecht cho biết điều quan trọng khiến Israel bận tâm lúc này là "sự ổn định quyền kiểm soát ở Dải Gaza". Ông cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ cố gắng kiểm soát toàn bộ khu vực này, tiêu diệt những kẻ khủng bố trên lãnh thổ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã mở rộng thiết lập "tình trạng an ninh đặc biệt" của đất nước đối với toàn bộ lãnh thổ Israel.

Kịch bản xấu nhất là Hamas có thể thu hút nhóm chiến binh Hezbollah tại Lebanon tham gia nỗ lực tấn công Israel. Kênh Al Manar của Hezbollah cho biết nhóm vũ trang này ca ngợi cuộc tấn công của Hamas và đang liên lạc với các nhóm chiến binh khác ở trong và ngoài nước.

Ông Saleh al-Arouri, thành viên cấp cao của Hamas, nói với Al Jazeera hôm 7/10 rằng Hamas đã sẵn sàng "cho mọi lựa chọn, bao gồm cả chiến tranh và leo thang ở mọi cấp độ". "Chúng tôi đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, bao gồm cả một cuộc xâm lược trên bộ, đây sẽ là điều tốt nhất để chúng tôi quyết định kết thúc trận chiến này", ông al-Arouri nói.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/luc-luong-hamas-va-con-ac-mong-voi-israel-post27863.html