Lộc Trời đã tất toán tiền lúa nợ nông dân, dự định 'chuyển nhà' sang HOSE

Tại tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới công bố của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG), một nội dung đáng chú ý là việc doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục liên quan đến niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2024.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Lộc Trời dự kiến diễn ra chiều 26/6 tại tỉnh An Giang, theo danh sách chốt ngày 10/5. Ban đầu, Công ty dự định tổ chức phiên họp này vào cuối tháng 4 nhưng xin gia hạn chậm nhất trước ngày 30/6 trên cơ sở đề xuất của cổ đông lớn và nhận được sự chấp thuận của HĐQT.

Đặt mục tiêu lợi nhuận EBITDA đạt 1.000 tỷ

HĐQT Lộc Trời đánh giá 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức mang tính bất định, đặc biệt là việc lãi suất tiền vay, tỷ giá hối đoái tăng làm cho chi phí tài chính tăng vọt, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh cuối năm của tất cả các doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động lớn.

Với riêng doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì khó tiếp cận nguồn vốn vay, biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng tăng, giá lúa gạo trong nước khó kiểm soát. Đồng thời do tình hình dịch hại sâu bệnh ít nên ngành vật tư nông nghiệp kém khởi sắc, dẫn đến hàng hóa tồn đọng ở mức cao, gây thêm gánh nặng chi phí tài chính.

Số liệu từ Tổng cục thống kê, 2023 là năm thành công của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn. Thế nhưng trái ngược với bức tranh tích cực đó là sự khó khăn của các doanh nghiệp. Bởi lẽ giá lúa gạo tăng từng ngày, trong khi các hợp đồng đã được ký kết từ trước khiến doanh nghiệp phải bù lỗ.

Tại Lộc Trời, dù doanh thu năm 2023 ghi nhận mức kỷ lục với hơn 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ 16,5 tỷ đồng, giảm đến 96% so với năm trước, đồng thời giảm tới 94% so với con số trong báo cáo tự lập (265 tỷ đồng). Đây cũng là khoản lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này được ghi nhận kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Bước sang quý đầu năm 2024, doanh thu của Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên công ty vẫn lỗ sau thuế tới 96 tỷ đồng trong quý 1/2024, cao hơn mức lỗ của cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải từ Lộc Trời, để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, công ty phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với lãi suất 0%. Trong khi đó, công ty lại phải vay vốn ngân hàng với lãi cao trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn. Đây chính là nguyên nhân chính "ăn mòn" lợi nhuận tạo ra. Cộng thêm việc lỗ tỷ giá hối đoái khiến lợi nhuận của Lộc Trời bị bào mòn.

Thời gian gần đây, Lộc Trời gây chú ý vì nợ tiền lúa của nông dân hàng trăm tỷ đồng. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.070 ha. Vào thời điểm ngày 12/4, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ của 928 nông dân với tổng số tiền gần 246 tỷ đồng. Thời gian cam kết chi trả dứt điểm toàn bộ số tiền còn nợ nông dân chậm nhất đến ngày 26/4.

Theo thông tin mới nhất, ngày 20/5 vừa qua, Lộc Trời đã phối hợp với ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán tiền nợ mua lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 và gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì sự cố này.

Đối với chỉ tiêu tài chính năm 2024, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) 1.000 tỷ đồng.

"Thông qua hoạt động quản trị và xây dựng chiến lược, HĐQT tiếp tục cung cấp các hỗ trợ và kết nối cần thiết để Lộc Trời vận hành hệ sinh thái nông nghiệp hoàn thiện, hướng đến sản xuất và cung ứng ổn định các loại nông sản và sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, luôn tinh thần "nói được, làm được" trong việc phụng sự nông nghiệp và cùng nông dân phát triển bền vững", báo cáo của HĐQT Lộc Trời được ký bởi Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn nêu rõ.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

Điểm mới trong tài liệu họp cập nhật là tờ trình chấp thuận và đưa kiến nghị "Thảo luận và thông qua việc triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) trong năm 2024" vào chương trình làm việc, căn cứ thư kiến nghị ngày 8/4 của Marina Viet Pte. Ltd, cổ đông lớn nhất của LTG, sở hữu 25,12% vốn.

HĐQT Công ty cũng sẽ trình cổ đông triển khai các thủ tục liên quan đến niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2024.

Thực tế, nội dung chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang HOSE đã được ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua, và được gia hạn thực hiện trong 2 kỳ họp tiếp theo năm 2019, 2020. Đến ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông LTG tiếp tục thông qua gia hạn chuyển sàn và dự kiến hoàn tất niêm yết HOSE chậm nhất đến năm 2025.

Tại Đại hội tới, cổ đông LTG sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 với 5 thành viên, trong đó phải có ít nhất 1/3 là thành viên HĐQT độc lập theo quy định. LTG vẫn chưa công bố danh sách ứng viên. ĐHĐCĐ cũng sẽ bầu lại Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

Thêm một nội dung đáng chú ý, Lộc Trời đề xuất điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2023 từ tiền mặt sang cổ phiếu, dù vẫn giữ nguyên tỷ lệ 30%. Sau phát hành, vốn điều lệ Công ty dự kiến tăng lên 1,310 tỷ đồng.

Đối với chỉ tiêu tài chính năm 2024, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) là 1,000 tỷ đồng. Kết thúc quý 1, Lộc Trời lỗ ròng gần 97 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức 81 tỷ đồng cùng kỳ 2023, chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay tăng cao và rủi ro từ tỷ giá.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loc-troi-da-tat-toan-tien-lua-no-nong-dan-du-dinh-chuyen-nha-sang-hose.html