Lộ diện nhiều thương vụ bất động sản có giá 'khủng'
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động với nhiều thương vụ tỷ USD, cùng sự nổi lên của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều thương vụ đình đám
Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn vừa hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Xuất nhập khẩu Đức Nhi để trở thành chủ sở hữu khu đất có tổng diện tích khoảng 7.700 m2 ở vị trí mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM). Khu đất này được quy hoạch thuộc nhóm nhà ở xây dựng mới.
Công ty CP Địa ốc First Real vừa hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Bạch Đằng Complex) với giá trị giao dịch 200 tỷ đồng, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của Bạch Đằng Complex với tỷ lệ sở hữu 22%.
Bạch Đằng Complex đang sở hữu dự án Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng, có vị trí đắc địa tại số 50 Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Khu phức hợp này nằm trên mảnh đất có diện tích 6.879 m2 được xây dựng một tòa khách sạn 29 tầng tên Hilton Da Nang và một tòa tháp cao 25 tầng gồm căn hộ, văn phòng cho thuê và khu thương mại.
Tương tự, Tập đoàn Surbana Jurong đến từ Singapore ký kết hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do Kim Oanh làm chủ đầu tư. Theo thỏa thuận, Kim Oanh Group và Surbana Jurong sẽ hợp tác phát triển một loạt dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực phía Nam. Ngoài ra, Surbana Jurong sẽ chịu trách nhiệm tư vấn quy hoạch khu đô thị và tư vấn kiến trúc cho các dự án mà Kim Oanh Group triển khai.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng bắt tay với Marubeni để đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới TP Thủ Đức với tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng. Theo đại diện Marubeni, hai bên sẽ đánh giá kỹ tình hình thực tế để đưa ra các bước triển khai hiệu quả, nhanh chóng.
Báo cáo mới đây về cơ hội trên thị trường M&A lĩnh vực bất động sản, Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, thị trường bất động sản đang chứng kiến hoạt động M&A sôi động với nhiều thương vụ lớn.
Hồi cuối tháng 7, Tập đoàn Gamuda Berhad của Malaysia thông qua công ty con Gamuda Land ký thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty CP Bất động sản Tâm Lực với giá trị đạt 305 triệu USD để trực tiếp sở hữu khu đất dự án rộng 3,68 ha tại TP Thủ Đức (TPHCM). Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án cao tầng, gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.
Keppel Land cũng cho biết, đã thông qua công ty con VN Prime Vietnam (VNPV) mua lại 65% cổ phần tại một doanh nghiệp sở hữu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. 35% vốn còn lại sẽ do chủ đầu tư dự án là Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển Bình Minh nắm giữ. Dự án này nằm trong một tổ hợp bất động sản đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2025. VNPV sẽ chi khoảng 1.230 tỷ đồng vào thương vụ này.
Nhu cầu bán lớn
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn EY Việt Nam, tổng giá trị thương vụ M&A trong 7 tháng đầu năm nay đạt 1,4 tỷ USD, trong đó 92% bên mua là nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc. Ngoài ra, EY Việt Nam cũng ghi nhận trên 10 thương vụ đang trong quá trình đàm phán với giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Tương tự, JLL Việt Nam cũng đánh giá, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, hầu hết tài sản chất lượng cao nằm trong tay các chủ đầu tư Việt Nam nhờ năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Tuy nhiên, với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường hiện tại, các chủ đầu tư trong nước buộc phải cơ cấu lại sản phẩm và danh mục đầu tư của mình, do đó cởi mở hơn với các cơ hội hợp tác cùng nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hoàng Kim Hoài - Giám đốc Phúc Điền Land - cho biết, nguyên nhân khiến hoạt động M&A sôi động thời gian qua đến từ sụt giảm thanh khoản và hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản trong nước. Bên bán đang có sự quan tâm rất lớn đến hoạt động M&A do họ đang cần thêm dòng vốn mới. Tuy nhiên, các chủ đầu tư trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản như pháp lý, quá trình phê duyệt các dự án mới.
“Hoạt động mua bán, sáp nhập bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024. Tuy nhiên, hoạt động này còn phụ thuộc vào các yếu tố như phê duyệt quy hoạch, hay xác định tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp trong nước. Sự am hiểu văn hóa địa phương và khả năng tiếp cận được quỹ đất vẫn có lợi thế trong cuộc đua này”, ông Hoài nói.
Trong khi đó, ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam - nhận định, giai đoạn hiện nay sẽ có nhiều người bán hơn với mong muốn huy động vốn thông qua bán tài sản. Các hình thức M&A có thể kể đến như bán cổ phần dự án hoặc bán toàn bộ, bán quỹ đất hiện có hay bán bất động sản đang hoạt động. Số lượng các chủ tài sản có nhu cầu bán rất lớn so với các năm trước.