Liệu pháp tế bào: Đột phá mới trong điều trị bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có thể không cần dùng insulin và bất kỳ loại thuốc nào khác. Lần đầu tiên, báo cáo của một nhóm nhà khoa học và lâm sàng Trung Quốc đã dấy lên hỵ vọng cho những người đang 'chiến đấu' với căn bệnh này.

Bất kể loại bệnh tiểu đường nào, việc không duy trì mức đường huyết bình thường theo thời gian có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận. Ảnh: Shutterstock

Bất kể loại bệnh tiểu đường nào, việc không duy trì mức đường huyết bình thường theo thời gian có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận. Ảnh: Shutterstock

Bệnh nhân 59 tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong 25 năm, có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng. Anh ấy đã được ghép thận vào năm 2017, nhưng đã mất hầu hết chức năng đảo tụy giúp kiểm soát lượng đường trong máu và phải tiêm insulin nhiều lần mỗi ngày.

Tháng 7/2021, bệnh nhân này được cấy ghép tế bào cải tiến. Thật bật ngờ, 11 tuần sau đó, anh ấy không cần dùng bổ sung insulin và thuốc uống để kiểm soát lượng đường trong máu, và ngừng hoàn toàn một năm sau đó.

Theo Teo Yin Hao, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bệnh viện Changzheng Thượng Hải, các cuộc kiểm tra tiếp theo cho thấy chức năng đảo tụy của bệnh nhân đã được phục hồi một cách hiệu quả và bệnh nhân hiện đã cai insulin hoàn toàn được 33 tháng.

Bước đột phá y học này đạt được nhờ một nhóm bác sĩ và nhà nghiên cứu từ các tổ chức bao gồm Bệnh viện Changzheng Thượng Hải, Trung tâm Xuất sắc về Khoa học Tế bào Phân tử thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Bệnh viện Renji, có trụ sở tại Thượng Hải, đã được công bố trên tạp chí Cell Discovery ngày 30/4 vừa qua.

Theo Timothy Kieffer, giáo sư tại Khoa Sinh lý và Tế bào tại Đại học British Columbia ở Canada: “Tôi nghĩ nghiên cứu này thể hiện một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực trị liệu tế bào cho bệnh tiểu đường”.

Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Những gì được tiêu thụ sẽ phân hủy thành glucose (một loại đường đơn giản) và đưa vào máu. Insulin rất cần thiết để điều chỉnh lượng đường trong máu. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin được sản sinh ra một cách hiệu quả.

Có một số loại bệnh tiểu đường, trong đó tuýp 2 là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 90% số người mắc loại bệnh này. Nguyên nhân phần lớn liên quan đến chế độ ăn uống và phát triển theo thời gian.

Bất kể loại bệnh tiểu đường nào, việc không duy trì mức đường huyết bình thường theo thời gian có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, “chưa có cách chữa trị bệnh tiểu đường”.

Cùng với việc giảm cân, ăn uống lành mạnh và uống thuốc, insulin là phương pháp điều trị chính hiện nay đối với một số người, nhưng điều này đòi hỏi phải tiêm và theo dõi thường xuyên.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu cấy ghép đảo nhỏ như một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn, chủ yếu bằng cách tạo ra các tế bào giống đảo nhỏ từ nuôi cấy tế bào gốc của con người. Giờ đây, sau hơn một thập kỷ làm việc, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến một bước gần hơn.

Yin cho biết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng và lập trình các tế bào đơn nhân máu ngoại vi của chính bệnh nhân, sau đó được chuyển thành “tế bào hạt giống” và tái tạo mô đảo tụy trong môi trường nhân tạo.

Trong khi dữ liệu tiền lâm sàng từ nhóm của Kieffer ủng hộ việc sử dụng các đảo nhỏ có nguồn gốc từ tế bào gốc để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, báo cáo của Yin và các đồng nghiệp, theo hiểu biết của Kieffer, là “bằng chứng đầu tiên ở người”.

Yin cho biết bước đột phá này là một bước tiến nữa trong lĩnh vực y học tái tạo tương đối mới – nơi khả năng tái tạo của cơ thể được khai thác để điều trị bệnh tật. “Công nghệ của chúng tôi đã trưởng thành và nó đã vượt qua các ranh giới trong lĩnh vực y học tái tạo để điều trị bệnh tiểu đường.”

Trên toàn cầu, Trung Quốc có số người mắc bệnh tiểu đường cao nhất . Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, nước này hiện có 140 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó, khoảng 40 triệu người phụ thuộc vào việc tiêm insulin suốt đời.

Theo Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tỷ lệ dân số mắc bệnh tiểu đường ở Trung Quốc cao một cách không cân đối. Trong một bài báo năm ngoái, ông chỉ ra rằng trong khi Trung Quốc chiếm 17,7% dân số thế giới, số người mắc bệnh tiểu đường ở nước này lại chiếm một phần tư đáng kinh ngạc trên tổng số toàn cầu, đặt gánh nặng y tế rất lớn lên chính phủ.

Nếu phương pháp điều trị tế bào này cuối cùng có hiệu quả, Kieffer cho biết, “có thể giải phóng bệnh nhân khỏi gánh nặng về thuốc mãn tính, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như giảm chi phí chăm sóc sức khỏe”.

Nhưng để đạt được điều đó, ông nói thêm, cần có những nghiên cứu ở nhiều bệnh nhân hơn dựa trên những phát hiện của nghiên cứu Trung Quốc này.

(Theo SCMP)

Dương Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lieu-phap-te-bao-dot-pha-moi-trong-dieu-tri-benh-tieu-duong-272767.html