Liên tục có người bị rắn độc cắn, bác sĩ chỉ ra những cách sơ cứu sai cần lưu ý

Từ đầu tháng 11 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị rắn độc cắn. Có người vì sơ cứu sai, đến bệnh viện muộn nên đã bị hoại tử quanh vết thương.

Hoại tử do rắn độc cắn

Theo Khoa Nội tổng hợp thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), đây là thời điểm thường ghi nhận nhiều ca nhập viện cấp cứu do rắn độc cắn.

Bởi mấy tháng cuối năm, mưa nhiều, độ ẩm cao nên rắn độc hay xuất hiện và trú ngụ ở những khu vực bụi rậm, nhiều cỏ cây...

Riêng từ đầu tháng 11 đến nay, đã có trên 40 ca bị rắn độc cắn phải nhập viện cấp cứu, hầu như ngày nào cũng có người bị rắn độc cắn. Vị trí người dân bị rắn độc cắn thường là ở bắp tay, bàn tay, bắp chân, bàn chân…

Đặc biệt, nhiều ca bị rắn độc cắn nhưng đưa đến bệnh viện muộn dẫn đến vết thương sưng tấy, sau đó thì hoại tử. Có bệnh nhân cánh tay tê liệt, máu không thể lưu thông do sau khi bị rắn độc cắn vào tay đã cột băng caro quá chật, quá lâu.

Các ca bị rắn độc cắn, ngay khi nhập viện đều được các y bác sĩ tận tình cứu chữa. Trường hợp nặng thì huy động sự phối hợp của nhiều khoa để cùng cứu bệnh nhân. Đồng thời tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu sự nguy hiểm khi bị rắn độc cắn.

Bệnh nhân bị rắn độc cắn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.

Ông Lê Quý Viên (thường trú tại xã Ninh Vân, Ninh Hòa, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) cho biết: "Sau những ngày mưa, cây cối mọc um tùm quanh vườn nên ông ra phát dọn và bị rắn độc cắn. Khi thấy khó thở, tay ngày càng đau thì ông đến bệnh viện, may mắn được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng".

Một bệnh nhân khác cũng vừa bị rắn độc cắn là ông Nguyễn Văn Tiên (50 tuổi, thường trú xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa). Trong khi đi phát cỏ và bụi rậm, ông Tiên bị rắn lục cắn vào tay và tự hái lá để đắp vào. Nhưng sau đó, ông Tiên thấy chỗ vết thương do bị rắn độc cắn sưng tấy, đau nhức, sức khỏe suy kiệt, khó thở nên vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, nếu ông Tiên vào muộn, tay ông có thể bị hoại tử.

Không băng garo sau khi bị rắn độc cắn

Từ những trường hợp bị rắn độc cắn trong hơn 1 tháng qua, BSCK II Nguyễn Thị Hương Thảo - Trưởng khoa Nội tổng hợp thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) cho biết: "Không ít bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu đều băng garo sau khi bị rắn độc cắn.

Các ca này, nếu bị rắn độc cắn vào tay, chân thì sưng vù tay, chân. Có ca thì đã hoại tử quanh vết thương, phải rất nỗ lực mới có thể cứu chữa được.

Vậy nên, chúng tôi luôn khuyến cáo, người dân không may bị rắn độc cắn thì không băng garo mà phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, cứu chữa kịp thời.

Bởi băng garo sẽ ảnh hưởng đến việc tuần hoàn máu, không tốt cho sức khỏe của người bị rắn độc cắn. Các trường hợp bị rắn độc cắn, nhập viện càng sớm, việc cấp cứu sẽ thuận lợi hơn.

Người dân khi đi dọn cây, bụi rậm quanh nơi ở cần đề phòng bị rắn độc cắn.

Trong thời gian chờ sự hỗ trợ của y tế, nên nới lỏng quần áo của người bị rắn độc cắn, đồng thời rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý…

Người bị rắn độc cắn không nên tự chữa trị bằng các bài thuốc đông y, lá cây theo truyền miệng dân gian.

Để đề phòng rắn độc cắn thì người dân, nhất là người đi làm rẫy, làm đồng ở những nơi nhiều hang đá, rừng cây, lá mục, bụi rậm phải trang bị thêm quần áo bảo hộ an toàn. Khi đi đến vùng tối như vào rừng, rẫy, nên trang bị đèn pin để soi đường".

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-tuc-co-nguoi-bi-ran-doc-can-bac-si-chi-ra-nhung-cach-so-cuu-sai-can-luu-y-169231208164303975.htm