Liên tiếp trường hợp chó tấn công người: Khi nào hết tình trạng chó thả rông?

Tình trạng chó thả rông và nguy cơ mất an toàn một lần nữa làm 'nóng' dư luận sau liên tiếp trường hợp chó tấn công người, đặc biệt là bệnh dại gia tăng đột biến so với cùng kỳ 2023.

Trên thực tế, bất cập trong quản lý vật nuôi chỉ được nhìn nhận theo vụ việc đơn lẻ, trong khi chó thả rông luôn đi kèm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn, dịch bệnh đến vệ sinh môi trường, giao thông, tiếng ồn,… thậm chí xô xát giữa người nuôi và người khác.

Cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào khi ngày càng nhiều người trẻ cô đơn, cần vật nuôi để bầu bạn, còn các dịch vụ cho vật nuôi hiện rất hạn chế?

Bất cập trong quản lý vật nuôi chỉ được nhìn nhận theo vụ việc đơn lẻ, trong khi chó thả rông luôn đi kèm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn, dịch bệnh đến an ninh trật tự, giao thông, môi trường...

Bất cập trong quản lý vật nuôi chỉ được nhìn nhận theo vụ việc đơn lẻ, trong khi chó thả rông luôn đi kèm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn, dịch bệnh đến an ninh trật tự, giao thông, môi trường...

Chị Nguyễn Ngọc Mai, ở quận Long Biên, Hà Nội lập gia đình được 5 năm nay nhưng chưa có con. Hai con chó poodle là “người bạn” thân thiết với chị, nhất là những lúc chồng đi công tác dài ngày: "Chiều nào tôi cũng cho con chó nhà tôi ra công viên đi dạo với cho nó đi vệ sinh. Biết là quy định phải đeo rọ mõm cho chó nhưng mà con chó to đùng mọi người còn chẳng đeo rọ mõm cho nó, nữa là con chó nhà tôi bé tý xíu thì tôi nghĩ là chắc là không gây ảnh hưởng hay gây hại cho ai cả".

Kinh tế - xã hội phát triển, ngày càng nhiều người có nhu cầu nuôi thú cưng để bầu bạn, nhất là giới trẻ có xu hướng lập gia đình muộn hơn. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận lớn chủ vật nuôi chưa cao, dẫn đến nhiều phiền toái cho người khác: "Có chủ chó nuôi những con chó rất là to mà họ cứ thả vậy thôi, bản thân mình là người lớn nhưng mình cũng cảm thấy e dè. Rồi là chuyện của bố mình, đang đi xe máy thì có một con chó từ trong ngõ lao ra, cụ bị ngã gãy xương sườn".

"Sáng người ta hay thả chó mèo ra, nó phóng uế ra đường. Có những lần xe anh chèn phải những bãi thải ấy, phải quay về rửa, rất là bất tiện. Bây giờ mình góp ý thì người ta lại bảo mình khó tính, hàng xóm với nhau chẳng nói, kệ thôi".

Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, Luật Thú y đã quy định rõ, người nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương; bắt buộc tiêm phòng dại; phải giữ chó trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn như đeo rọ mõm, xích chó và có người dắt; chịu mọi phí tổn khi chó thả rông bị bắt giữ hay tấn công người khác. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thu ý và không gây tiếng ồn.

Chính quyền địa phương phải tổ chức quản lý, hàng năm phải tiêm phòng bắt buộc cho chó mèo trên địa bàn, bắt giữ chó thả rông, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, xử lý vi phạm, tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ bắt giữ chó và mạng lưới thú y.

Theo ông sơn, những địa phương có sự chỉ đạo quyết liệt thì người dân chấp hành, còn những nơi lơi lỏng quản lý, chưa thực hiện tốt khâu tuyên truyền thì vi phạm diễn ra phổ biến, người dân chủ quan, đơn giản hóa vấn đề nuôi chó.

Để thay đổi thói quen nuôi chó thả rông và nhận thức của một bộ phận lớn người dân thì cần nhiều thời gian và nhiều biện pháp đủ mạnh (Ảnh minh họa: Hội Chăn nuôi Việt Nam)

Để thay đổi thói quen nuôi chó thả rông và nhận thức của một bộ phận lớn người dân thì cần nhiều thời gian và nhiều biện pháp đủ mạnh (Ảnh minh họa: Hội Chăn nuôi Việt Nam)

Tuy nhiên, chó thả rông gây ra rất nhiều hệ lụy như đã đề cập, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần thay đổi góc nhìn, thực sự coi trọng vấn đề để có được những giải pháp đồng bộ: "Trước hết, cần coi trọng trách nhiệm của người nuôi chó. Làm tốt hơn việc tuyên truyền, giáo dục các quy định liên quan trong các cuộc họp tổ dân phố, trong mạng xã hội: Zalo nhóm, Facebook,…, thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị cùng vào cuộc để đôn đốc, nhắc nhở người dân. Nên hỗ trợ người dân trong việc đăng ký, quản lý chó nuôi.

Mạng lưới thú y cơ sở, các phòng khám hướng dẫn để người ta mang đi tiêm phòng và khai báo với chính quyền địa phương qua hệ thống này. Áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với chó thả rông. Cần được làm thường xuyên, công khai để tạo hiệu quả. Bởi vì đôi khi người ta cảm thấy lòng tự trọng, có khi tiền thì nhỏ thôi nhưng người ta thấy vấn đề là sự tôn trọng của người khác.

Phường xã thành lập các tổ bắt giữ chó, không cố định về thời gian, tạo tâm lý cho người nuôi là khi chó ra đường là có người bắt để xử lý vi phạm. Nên thành lập các trung tâm cứu hộ, phòng khám để tiếp nhận, chăm sóc, xử lý chó thả rông. Xử lý bằng công nghệ trong việc quản lý chó nuôi, gắn chip điện tử.

Tất nhiên ở nơi có điều kiện mới làm được. Các đường phố bây giờ có hệ thống camera, chúng ta cũng nên đưa hệ thống giám sát bằng camera để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Chúng ta hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, đối xử nhân đạo với động vật, nâng cao phúc lợi cho động vật: chăm sóc sức khỏe tốt, điều kiện sống".

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, dù đã có nhưng khung hình phạt còn thấp, thực hiện chưa nghiêm khi nhiều địa phương chưa sát sao.

Thay vì tăng nặng chế tài để tạo sức răn đe thì Nghị định 144 năm 2021 (thay thế Nghị định 167 năm 2013) đã không còn quy định xử phạt hành vi để động vật nuôi phóng uế nơi công cộng. Đồng thời, hoàn toàn không có quy định về nuôi và quản lý các loài chó dữ, nguy hiểm.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái đề xuất: "Mỗi khu vực có tập quán nuôi chó khác nhau. Do đó, cần phân định từng vùng để có quy định cụ thể. Ví dụ, ở vùng sâu, vùng xa, quy định nuôi chó, rọ mõm quá xa vời với thói quen của người dân. Mình phải có những chế tài cụ thể cho những khu vực đó, rồi tập huấn, đưa các quy định ấy vào cuộc sống. Mình phải phân ra một số loại chó, như pitbull phải có giấy phép. Hiện nay chúng ta chưa có quy định riêng chó giống chó dữ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm, hoặc có sự quản lý gắt gao hơn".

ThS. BS. Nguyễn Hải Đăng, Bệnh viện thú y Hải Đăng cũng đồng tình với việc cần có những quy định riêng về việc nuôi chó phù hợp với đặc thù vùng miền. Ví dụ, tai nạn do chó dữ tấn công thường xảy ra ở thành thị, khi nhiều người thích nuôi những giống chó độc lạ nhưng thiếu ý thức và kỹ năng. Còn bệnh dại thường xuất hiện ở vùng nông thôn, vùng núi do nhận thức hạn chế và điều kiện kinh tế - xã hội kém hơn.

Bênh cạnh những giải pháp “cứng”, cơ quan quản lý có thể hướng đến việc phát triển dịch vụ cho vật nuôi để hạn chế ảnh hưởng cộng đồng: "Ngoài nguyên nhân là ý thức chủ quan của người nuôi chó thì cũng do các khu vui chơi, bãi đất trống cho việc chăm sóc và thả chó chưa nhiều. Các dịch vụ chăm sóc thú cưng đã có nhưng chi phí còn cao. Chúng ta nên học theo các nước tiên tiến, nuôi chó phải đảm bảo sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng. Các công viên ở một số quốc gia, như Australia, có các cột để giấy vệ sinh và túi đựng phân, chất thải của thú cưng, người dân họ có ý thức, khi đi ra đấy thì sẽ gom vào. Khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia vào lĩnh vực chăm sóc thú cưng, tạo khu vui chơi. Khi có nhiều thì giá dịch vụ sẽ giảm đi, từ đó hạn chế việc thả tự do".

Dù xã hội ngày càng phát triển nhưng nếp sống tiểu nông: nuôi chó, thả rông để vật nuôi tự giải quyết các nhu cầu vẫn diễn ra phổ biến. Để thay đổi thói quen và nhận thức của một bộ phận lớn người dân thì cần nhiều thời gian và nhiều biện pháp đủ mạnh, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nuôi chó mèo để bầu bạn ngày càng lớn trong xã hội.

Nếu bạn hỏi những người xung quanh thì có lẽ đa phần mọi người coi việc chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế,… là chuyện bình thường, vì nó đang diễn ra hàng ngày. Hành vi đó nếu có gây phiền toái cho người khác thì nhiều người cũng chỉ “ngậm bồ hòn”, không muốn mất tình làng nghĩa xóm chỉ vì con chó.

Cứ thế, những vi phạm liên quan việc nuôi chó mèo diễn ra năm này qua năm khác, từ nông thôn đến thành thị. Nơi công cộng, như công viên, vốn đã thiếu để phục vụ con người, nay lại trở thành “nhà vệ sinh” cho chó mèo, nhan nhản chó nhỏ chó to không rọ mõm.

Đáng e ngại hơn cả là số ca tử vong vì bệnh dại những tháng đầu năm 2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, trong khi mốc thời gian thực hiện mục tiêu không còn người chết vì bệnh dại là năm 2030.

Ý thức là một chuyện, vi phạm diễn ra phổ biến có một phần nguyên nhân từ việc thư thi pháp luật còn lỏng lẻo, hiếm thấy trường hợp chủ chó thả rông, phóng uế bừa bãi,… bị xử lý. Nhưng địa phương cũng có cái khó riêng, như một lãnh đạo phường từng trao đổi với VOV Giao thông rằng hiện chưa có quy định về việc cưỡng chế nộp phạt.

Tuy nhiên, không thể vì khó khăn mà cứ để những quy định mãi nằm trên giấy. Trước hết, cần thay đổi góc tiếp cận, chính quyền các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận chó thả rông không phải chuyện nhỏ, mà là một nguy cơ tiềm ẩn với cộng đồng. Đó là mất an toàn tính mạng, sức khỏe, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,… như đã đề cập.

Hành lang pháp lý cũng cần được hoàn thiện để chính quyền địa phương có căn cứ thực thi. Trên thực tế, vi phạm giao thông dễ xử lý vì có quy định tạm giữ phương tiện, còn việc xử phạt vi phạm về tiếng ồn, vứt rác, phóng uế,… khó khăn vì không thể cưỡng chế nếu người vi phạm không nộp phạt.

Nên chăng cần bổ sung quy định về việc tạm giữ vật nuôi nếu chủ vật nuôi không nộp phạt, mọi chi phí trông giữ do chủ vật nuôi chi trả. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để lực lượng chức năng có thể xử lý trên thực tế, tạo tính răn đe, nhất là khi thú cưng ngày nay có giá trị lên tới tiền triệu.

Tất nhiên, các quy định cần được thiết kế cho phù hợp điều kiện mỗi vùng miền, và cần thực hiện thí điểm ở thành thị, rút kinh nghiệm, điều chỉnh trước khi triển khai ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa.

Pháp luật về vật nuôi cũng cần được hoàn thiện, như việc xóa “vùng trống” trong quy định nuôi chó dữ, lập lại chế tài xử lý vật nuôi phóng uế, thậm chí, tăng nặng mức xử phạt với các vi phạm có tính chất nguy hiểm, như các quy định về việc tiêm phòng cho vật nuôi.

Sau khi có căn cứ xử lý thì cần lực lượng thực thi chuyên nghiệp. Đội săn bắt chó thả rông và xử lý các vi phạm không thể chỉ tận dụng nhân lực từ lực lượng dân phòng, mà phải là những người được đào tạo bài bản và có chế độ phụ cấp xứng đáng cho họ. Lực lượng này không nhất thiết phải thành lập cấp phường, xã, mà có thể ở cấp quận, huyện để có nguồn lực tốt hơn và tận dụng khả năng tốt hơn.

Xử phạt là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Cùng với việc phổ biến các quy định của pháp luật về vật nuôi đến từng người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, thì những trường hợp bị xử lý nghiêm chắc chắn sẽ khiến người nuôi chó thay đổi nhận thức và ý thức một cách rõ rệt.

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền thì đơn vị quản lý các địa điểm công cộng, như công viên, cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc nhắc nhở, xử lý những vi phạm liên quan vật nuôi trong phạm của vi mình.

Ngoài những giải pháp “cứng” thì việc phát triển các dịch vụ cho thú cưng cũng sẽ tạo điều kiện cho chủ vật nuôi dễ dàng hơn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Trong tương lai, nhà nước cần xây dựng nhiều công viên, bệnh viện,… cho thú cưng, hoặc có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều địa điểm dành riêng cho vật nuôi với chi phí hợp lý sẽ hạn chế việc người dân mang vật nuôi ra nơi công cộng.

Chấm dứt triệt để tình trạng chó thả rông, đảm bảo an toàn cho cộng đồng là một con đường dài, và cần “khởi hành” ngay từ hôm nay nếu như muốn đến được vạch đích.

Minh Huế/VOV -Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lien-tiep-truong-hop-cho-tan-cong-nguoi-khi-nao-het-tinh-trang-cho-tha-rong-post1096284.vov