Liên minh phiến quân vừa bất ngờ giành quyền kiểm soát Aleppo gồm những phe phái nào?
Chỉ trong hơn 72 giờ vào tuần trước, một liên minh các nhóm phiến quân vũ trang Syria đã bất ngờ chiếm được Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Liên minh này gồm các phe phái Hồi giáo vũ trang đã thành lập từ lâu, kết nối chống lại chính quyền Syria, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.
Hayat Tahrir Al Sham
Chịu trách nhiệm chính cho cuộc tấn công vào Aleppo vào tuần trước là Hayat Tahrir Al-Sham (HTS), còn được gọi là Tổ chức Giải phóng Levant. Nhóm nổi bật và đáng gờm nhất trong liên minh phiến quân được thành lập bởi Abu Mohammad al-Jolani, một chỉ huy quân sự đã tích lũy kinh nghiệm khi còn là thành viên tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Được thả sau khi bị Mỹ bắt và giam cầm tại Iraq, ông ta đã đến Syria để thành lập Jabhat al-Nusra, chi nhánh của al Qaeda ở Syria và điều hành nhóm này cho đến khi công khai chia rẽ với al Qaeda vào năm 2016 do bất đồng về ý thức hệ và phản đối IS. Sau đó, Jolani thành lập HTS vào đầu năm 2017.
Dù tự tách mình ra khỏi al Qaeda và IS, HTS vẫn bị Mỹ và các nước phương Tây coi là tổ chức khủng bố nước ngoài vào năm 2018 và treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin về thủ lĩnh al-Jolani.
Trong những năm qua, ảnh hưởng của Jolani ngày càng tăng mặc dù có những cuộc đấu đá nội bộ và sự ganh đua cục bộ. Nhóm phiến quân đã phải chịu một đòn nặng nề sau khi để mất Aleppo vào tay chế độ Syria vào năm 2016. HTS bị thu hẹp lại ở Idlib, một thành phố ở Tây Bắc Syria với dân số 4 triệu người, chủ yếu là những người phải di dời do xung đột nội bộ trên khắp Syria.
Trong một cuộc phỏng vấn với PBS năm 2021, Jolani đã bác bỏ “tiếng tăm” khủng bố, nói rằng nhóm của ông không gây ra “mối đe dọa đối với xã hội phương Tây hoặc châu Âu”.
“HTS đã có thể xây dựng sức mạnh bằng cách chủ yếu kiểm soát hầu hết các lĩnh vực kinh tế ở Idlib. … Họ là một lực lượng độc lập hơn nhiều nhóm khác”, Natasha Hall, thành viên cấp cao của Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington DC nhận định.
Diễn biến mang tính bước ngoặt ở Syria đã làm dấy lên viễn cảnh một xung đột bạo lực khác sẽ nổ ra ở Trung Đông. Ông Robert Ford, Đại sứ Mỹ cuối cùng tại Syria chỉ ra rằng, yếu tố tạo cơ hội cho phiến quân Syria mạnh bạo hơn là do nhiều tháng Israel không kích vào các mục tiêu của Syria và Hezbollah trong khu vực và lệnh ngừng bắn của Israel với Hezbollah ở Lebanon vào tuần trước, trong khi Nga cũng đang bận tâm đến xung đột ở Ukraine nên có phần “lơ là” với mảnh đất Syria hơn trước.
Nhà nghiên cứu Aaron Zelin lưu ý, Thủ lĩnh Golani và HTS đã tìm cách làm mới mình trong những năm gần đây, tập trung vào việc thúc đẩy chính quyền dân sự cũng như hành động quân sự lãnh thổ của họ. HTS cũng ngày càng tự coi mình là người bảo vệ các tôn giáo khác, đơn cử là năm ngoái cho phép cử hành Thánh lễ Kitô giáo đầu tiên tại thành phố Idlib sau nhiều năm.
Đến năm 2018, chính quyền Mỹ thừa nhận rằng họ không còn nhắm trực tiếp vào thủ lĩnh Golani nữa nhưng HTS vẫn cho phép một số nhóm vũ trang tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ của mình và vẫn nổ súng vào lực lượng đặc nhiệm Mỹ ít nhất là vào năm 2022.
“Quân đội quốc gia Syria” (SNA)
Một nhóm chính tham gia vào cuộc tấn công vào Aleppo là “Quân đội quốc gia Syria”, bao gồm hàng chục phe phái với nhiều hệ tư tưởng khác nhau nhận được tài trợ và vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh này gồm những người tuyên bố mục tiêu là lật đổ chế độ Tổng thống Assad và thành lập một nhà nước Hồi giáo được quản lý theo luật Sharia.
Trong số đó phải kể đến Ahrar Al Sham - một nhóm Hồi giáo ôn hòa. Sau khi chiếm được Aleppo vào tuần trước, phó chỉ huy của nhóm là Ahmed al-Dalati đã tập hợp các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong một nhà thờ Hồi giáo để đưa ra chỉ thị và kêu gọi họ bảo vệ các nhóm thiểu số về dân tộc và tôn giáo của thành phố.
“Chỉ thị rất nghiêm ngặt và rõ ràng. Nghiêm cấm làm hại bất kỳ ai hoặc xâm phạm tài sản của họ… không chỉ người Hồi giáo mà còn tất cả những người khác, bất kể là người theo đạo Thiên chúa hay người Armenia hay bất kỳ giáo phái nào có mặt ở Aleppo. … Không ai được phép đến gần họ”, ông nói.
Theo chuyên gia Natasha Hall, các nhóm Syria dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ trở nên “có vấn đề” vì mục tiêu chính của họ là các khu vực do người Kurd kiểm soát. “Thay vì chiến đấu vì chính nghĩa của người dân Syria, họ lại chiến đấu vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ…”, ông Hall nói.