Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Nằm bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ ngàn đời nay, người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) luôn quan tâm lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của lễ hội đập trống. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm, là lễ hội lớn và quan trọng nhất đối với người Ma Coong.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ở vùng đất của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, phá lúa... Bao nhiêu lương thực làm ra đều bị con khỉ ác cướp đi, đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. Để bảo vệ lương thực, người dân đã dùng mọi cách nhưng con khỉ ác vẫn không sợ. Trước thực tế đó, già làng nghĩ ra cách đánh trống, khua chiêng để đuổi khỉ. Một hôm, khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua chiêng, đánh trống tạo âm thanh vang vọng làm khỉ ác khiếp sợ và bỏ đi mãi mãi...

Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vui lễ hội đập trống.

Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vui lễ hội đập trống.

Tưởng nhớ công lao vị già làng và cầu cho bốn mùa làm ăn thuận lợi, hằng năm, người dân tổ chức cúng tế dâng lên thần linh những sản phẩm ngon nhất thu hoạch được. Hoạt động ấy dần trở thành lễ hội đập trống của người Ma Coong. Từ bao đời nay, hằng năm, cứ vào dịp trăng tròn tháng Giêng, đồng bào Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Người dân nơi đây cho rằng, tiếng trống hội càng vang xa thì mùa màng càng bội thu, cùng với đó là một năm mới nhiều may mắn.

Theo già làng Đinh Xon ở xã Thượng Trạch, nhằm chuẩn bị cho lễ hội đập trống, người dân phải chuẩn bị trước nhiều tháng. Theo đó, đồng bào ngăn con suối Aky chảy qua bản với mục đích đánh bắt được những con cá to làm mâm cỗ trong lễ khai hội. Một số thanh niên trai tráng được phân công hoàn thiện chiếc trống hộp với nhiều kỹ thuật khắt khe.

Ngày 16 tháng Giêng, khi trăng lên cao nhất cũng là lúc vào giờ khai lễ. Già làng đọc lời khấn cầu mong trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Sau khi già làng phát lệnh bằng một hồi trống thì người dân dùng các đoạn cây gỗ cố gắng đánh trống để có tiếng kêu thật lớn. Đồng bào vừa đánh trống vừa hát, uống rượu và nhảy múa theo nhịp trống cho đến khi mặt trống bị thủng thì phần hội mới kết thúc...

Bài và ảnh: THIÊN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/le-hoi-dap-trong-cua-nguoi-ma-coong-687889