Lập trường cứng rắn của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các công ty Đông Nam Á
Để tránh thuế quan của Mỹ áp dụng với hàng hóa từ Trung Quốc, một số công ty đã di dời nhà máy đến khu vực Đông Nam Á. Nhưng, các doanh nghiệp này đang chuẩn bị cho các hành động cứng rắn hơn của Mỹ, đặc biệt là nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Malaysia đã chào đón các khoản đầu tư lớn từ các công ty bán dẫn, nhà điều hành trung tâm dữ liệu và các công ty công nghệ khác trong những năm gần đây. Nhưng các công ty của nước này hiện đang lo lắng về khả năng Mỹ sẽ áp thêm thuế quan trong cuộc chiến thương mại và cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) với Trung Quốc.
Giống như các nước láng giềng Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, các chuyên gia cho biết, Malaysia có thể cần phải chuẩn bị tinh thần cho mức thuế quan cao hơn nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11, ngay cả khi chủ nghĩa bảo hộ lớn hơn của Mỹ vẫn tồn tại bất kể ai trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo.
Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia nằm trong số những quốc gia được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc+1” của các công ty nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh thuế quan của Mỹ áp dụng với hàng hóa từ Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã bắt đầu vào năm 2018 về những gì Mỹ cho rằng là các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Tháng này, Mỹ đã bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ bốn quốc gia có nhà máy do các công ty Trung Quốc như Jinko Solar và Trina Solar thành lập.
Theo thuế quan mới, thiết bị năng lượng mặt trời của Malaysia xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 9,13%. Thiết bị từ Thái Lan sẽ phải chịu mức thuế 23,06%, trong khi mức thuế này là 2,85% đối với Việt Nam và 8,25% đối với Campuchia.
Theo những người trong ngành, mức thuế quan của Mỹ đã phủ bóng đen lên ngành thiết bị năng lượng mặt trời tại Malaysia, trong khi Bloomberg đưa tin vào cuối tháng 8 rằng ít nhất ba công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã thu hẹp hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Jinko Solar được cho là đã đóng cửa cơ sở tại Penang và cắt giảm nhân công, trong khi người sáng lập Longi Green Energy Technology vào tháng 6 đã bày tỏ lo ngại về tương lai của ngành công nghiệp này tại Đông Nam Á.
Chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ sẽ tăng cường nếu ông Trump thắng cử
Các chuyên gia tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục hành động chống lại các hoạt động thương mại của Trung Quốc bất kể ai trở thành tổng thống tiếp theo của nước này. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Trump, các biện pháp có thể sẽ mang tính quyết liệt và đột ngột hơn.
Chim Lee, phân tích cấp cao của Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết Mỹ sẽ tăng cường giám sát thương mại với các nước Đông Nam Á bất kể kết quả bầu cử như thế nào.
"Nói cách khác, khi chuỗi cung ứng trở thành ‘Trung Quốc+1’, thuế quan cũng đang trở thành ‘Trung Quốc+1’”, ông cho biết.
"Dưới thời chính quyền của ông Trump, Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á theo cách quyết liệt và đột ngột hơn. Có khả năng Mỹ sẽ áp dụng cách tiếp cận mang tính thương lượng hơn với các chính phủ trong khu vực, có khả năng yêu cầu các chính phủ Đông Nam Á liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ về các vấn đề an ninh và địa chính trị quan trọng để đổi lấy các khoản miễn thuế", ông cho biết thêm.
Trong một báo cáo được công bố trong tuần này, ngân hàng OCBC cho biết dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, sáu quốc gia Đông Nam Á - Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines - có thể bị ảnh hưởng nếu ông thực hiện lời hứa trong cuộc bầu cử về việc tăng thuế quan.
Steven Okun, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn APAC Advisors cho biết Mỹ sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không có công nghệ, hàng hóa hoặc đầu tư của Mỹ có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của mình.
"Như vậy, dưới thời chính quyền Harris hoặc Trump, Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng các nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia khi nói đến Trung Quốc, trực tiếp hoặc thông qua các nước thứ ba", ông cho biết.
Tuy nhiên, bà Harris và ông Trump có thể có cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề này. Bà Harris có thể sẽ tiếp tục cách tiếp cận của tổng thống Joe Biden là hợp tác với các đối tác và đồng minh để thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ thông qua sự tham gia vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngược lại, cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump có thể sẽ áp dụng quan điểm song phương và được thúc đẩy bởi việc một quốc gia có thặng dư hay thâm hụt thương mại với Mỹ hay không.
“Đối với các quốc gia như Malaysia hoặc Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, điều đó sẽ thúc đẩy cách tiếp cận của Mỹ mạnh mẽ nhiều hơn dưới thời chính quyền Trump so với thời chính quyền Harris”, ông Steven Okun cho biết thêm.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy nước này đã ghi nhận thâm hụt thương mại là 14 tỷ USD với Malaysia, 77 tỷ USD với Việt Nam, 28 tỷ USD với Thái Lan trong tám tháng đầu năm nay.
“Việt Nam đã rất thành công trong việc khiến các công ty xem xét việc đặt một số hoặc toàn bộ quy trình sản xuất của họ tại đây”, Deborah Elms, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Thương mại Châu Á cho biết.
"Vì Việt Nam có kết nối tốt với các thị trường chính thông qua các hiệp định thương mại tự do, nên đây là động lực quan trọng thúc đẩy đầu tư mới vào trong nước", bà Deborah Elms cho biết.
Một số khoản đầu tư này hiện đến từ các công ty Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro, giảm chi phí sản xuất hoặc tránh thuế quan cao áp dụng cho hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc.
"Nhìn chung, điều này không gây ra vấn đề gì. Tất nhiên, Việt Nam phải giáo dục các công ty về các quy tắc của các thỏa thuận này để các công ty thực hiện đúng các bước để yêu cầu xuất xứ hợp pháp…Tuy nhiên, nếu ông Trump tái đắc cử, Việt Nam có thể gặp vấn đề vì ông Trump bị ám ảnh bởi con số thâm hụt thương mại song phương đối với hàng hóa", bà cho biết thêm.
Thuế quan và lệnh trừng phạt có thể được miễn trừ thường xuyên thông qua hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ của các công ty như vậy trong trường hợp ông Trump tái đắc cử.
"Vẫn phải chờ xem liệu chính quyền Trump lần thứ hai có thực thi mạnh mẽ các biện pháp thù địch này đối với Trung Quốc và theo nghĩa mở rộng, các điểm đến tránh thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ tại Đông Nam Á hay không", Tiến sĩ Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore nhận định.