Lập nghiệp ở Tây Nguyên
PTĐT - Mỗi người một gốc gác khác nhau, họ đến biên giới Tây Nguyên với khát vọng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
PTĐT - Mỗi người một gốc gác khác nhau, họ đến biên giới Tây Nguyên với khát vọng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với họ, Tây Nguyên đã là quê hương, nơi họ kiên cường bám trụ từng ngày để giữ từng tấc đất biên cương, xây dựng vùng kinh tế mới.
Nếu cần mẫn, đất sẽ không phụ người
Ngôi nhà gỗ đơn sơ cũng là cửa hàng tạp hóa của vợ chồng chị Cao Thị Gian nằm sát mép đường đất rộng thênh thang luôn mở cửa đón khách ghé vào ngồi uống nước, trò chuyện phiếm với nhau. Chị Gian là một trong số ít người dân tộc Chứt tới lập nghiệp ở Ia Rvê - xã biên giới của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Quê gốc của chị Gian là huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chị theo gia đình vào đây lập nghiệp từ hơn chục năm về trước. “Cuộc sống ở quê cũ vất vả quá. Bố tôi nghe mọi người nói vào trong này xây dựng vùng kinh tế mới, đất đai rộng rãi, có tương lai hơn. Thế là ông đưa cả gia đình vào đây” - chị Gian chia sẻ duyên cớ đến với Tây Nguyên.Trong ký ức, chị Gian nhớ rất rõ: “Trước đây, khu này là rừng rú, chưa có đường, có điện như bây giờ. Hoang vắng lắm. Voi rừng còn về phá ngay sau nhà khiến tôi sợ phát khiếp”. Để trang trải cuộc sống, gia đình chị Gian làm đủ nghề, từ làm nương, trồng điều, cao su, bắp, mì. Cuộc sống vẫn cứ khó khăn, nhất là khi chị lập gia đình, tách ra ở riêng. Chồng chị quê Thanh Hóa, cũng vào đây theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới. Hồi đầu, đói, khổ, thiếu thốn đủ bề, nhưng chưa bao giờ chị Gian nghĩ tới việc từ bỏ vùng đất này. “Tôi đã xác định sẽ gắn bó ở đây đến hết đời. Hai vợ chồng tôi đến với nhau bằng đôi bàn tay trắng, vùng đất này lại quá mới mẻ nên khó khăn ban đầu là không tránh khỏi” - chị Gian tâm sự.Chị Gian nói rằng, ở đây cứ ráo mồ hôi là đói ăn nên dù vất vả thế nào, vợ chồng chị cũng phải bám rẫy, bám nương, trồng điều, trồng sắn, lúc nông nhàn thì đi làm thuê, làm mướn, tích cóp từng chút một. Cuộc sống của vợ chồng chị “dễ thở” hơn khi được vay vốn sản xuất kinh doanh. “Tôi dùng 30 triệu được vay mở cửa hàng tạp hóa. Nó giúp tôi có đồng ra, đồng vào hàng ngày” - chị chia sẻ.Hiện tại, vợ chồng chị Gian có 4ha đất sản xuất, cuộc sống cơ bản ổn định, cả hai con trai chị đều được đi học. Chị mở lòng: “Bây giờ, có đường, điện, trường học, trạm y tế đầy đủ, điều kiện sống thuận lợi hơn trước kia nhiều. Tôi tin, nếu cần mẫn làm ăn, đất Tây Nguyên sẽ không phụ mình”.Ở đây tôi thấy khỏe hơn
Chị Vũ Thị Xuân khẳng định chắc nịch với tôi như thế, khi nói về cuộc sống hiện tại ở xã biên giới Ia Dom, huyện Ia HĐrai, tỉnh Kon Tum. Năm 2012, chị từ biệt chồng con ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, một thân một mình vào nơi xa xôi, hẻo lánh lập nghiệp. Lý do chị đến với Tây Nguyên rất lạ: “Tôi tuổi Hổ, sống ở rừng rú mới hợp” - chị vừa cười, vừa nói. Không biết thật hư thế nào, theo lời kể của chị, sống ở quê nhà, chị đau ốm triền miên, người lúc nào cũng bứt rứt khó chịu. Vậy mà từ ngày tới biên giới xa xôi này định cư, “tôi thấy khỏe khoắn hơn nhiều dù làm lụng vất vả” - chị Xuân vui vẻ chia sẻ: “Trong 7 năm ở đây, có tới 3 năm tôi ăn Tết một mình. Chồng con tôi mỗi năm đều vào thăm tôi vài lần. Sắp tới, chồng tôi sẽ vào đây ở với tôi”.Hành trình một mình gây dựng cơ đồ ở vùng đất lạ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của chị Xuân khiến tôi vô cùng nể phục. Chị kể: “Tôi tự tay cuốc đất làm rẫy, trồng lúa, mỳ, nghệ, nấu rượu rồi kiếm rau nấu cám nuôi đàn lợn nái, lại còn sửa soạn bán hàng nữa. Tôi xoay từ sáng tới khuya mới hết việc”. Vóc dáng mảnh mai, nhẹ nhàng của chị vậy mà vẫn trụ vững với sương gió biên thùy. Chị tâm sự: “Hồi mới vào đây, tôi cũng hoang mang lắm. Nơi này vẫn còn là rừng rậm rạp, rắn rết nhiều vô kể, nước sinh hoạt khan hiếm, đường sá xa xôi, hiểm trở, thời tiết thì khắc nghiệt. Người dân chúng tôi phải dựa vào Đồn Biên phòng Mô Rai rất nhiều. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã giúp tôi dựng nhà bếp, tặng tôi lợn giống để làm sinh kế nữa”. Vững tin ở tương lai
Ôn lại quãng thời gian 10 năm gắn bó với đất rừng Tây Nguyên, ông Trần Văn Thanh, ở thôn 2, xã Ia Rvê hồ hởi nói: “Đời sống bây giờ tốt hơn nhiều rồi. Việc làm cũng nhiều, lúc nông nhàn có thể đi làm thuê cho nhà máy mía đường, thu hoạch củ mì. Ngoài làm nương, làm rẫy có thể kết hợp chăn nuôi thêm... Nếu chịu khó thì không sợ thất nghiệp, cũng không sợ đói”. Ông Thanh quê Nam Định, vào Tây Nguyên từ năm 2008. Ông cất giọng trầm ấm kể: “Vùng này hồi xưa, cây cối um tùm, chỉ có đường mòn thôi. Thiếu thốn, hoang sơ đến mức người thân vào thăm tôi phải thốt lên: “Sao anh chị có thể ở được”. Quả thực, ở đây thiếu nhiều thứ nhưng tình cảm thì luôn có thừa. Bà con rất đoàn kết, yêu thương nhau. Chúng tôi được Đoàn kinh tế Quốc phòng 737 và BĐBP thường xuyên giúp đỡ. Có các anh bộ đội, chúng tôi vững tin hơn”.Ông Thanh hiện đang là trưởng nhóm hộ gia đình nhận chăm sóc đàn dê từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên. Từ 11 con dê ban đầu, đến nay, nhóm của ông đã nhân rộng và xuất chuồng được hơn 20 con dê giống. Ông phấn khởi khoe: “Một gia đình nuôi 10-15 con dê cái sẽ có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Cứ đi theo hướng này sẽ thoát được cái nghèo”. Chúng tôi có ít phút trò chuyện với ông Cao Minh Lự, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê. Cũng như những người dân chúng tôi đã gặp, ông Lự dành những lời tốt đẹp nhất nói về BĐBP - những người lính luôn sẵn lòng giúp đỡ người dân trụ vững ở tuyến biên giới khắc nghiệt này. “BĐBP giúp đỡ chúng tôi cả về tinh thần và vật chất. Không chỉ giúp củng cố hệ thống chính trị cơ sở, BĐBP còn giúp người dân ổn định cuộc sống thông qua việc xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng cây, chăn nuôi hàng hóa và thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, giúp ngày công lao động sản xuất... Đặc biệt, BĐBP đã đỡ đầu 20 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các lớp dạy xóa mù chữ... Những việc làm thiết thực đó giúp người dân chúng tôi vững tin gắn bó với biên giới”.Ở chiều ngược lại, người dân biên giới Tây Nguyên luôn sát cánh, hỗ trợ BĐBP giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, Tổ tự quản an ninh trật tự... và chúng tôi tin rằng, biên giới vững mạnh chính là do có sự chung tay góp sức, đồng lòng của quân dân biên giới.