Lãnh đạo HBC khẳng định không có rủi ro về hoạt động liên tục
Lãnh đạo HBC khẳng định đủ cơ sở hoạt động liên tục vì đã thay đổi mô hình kiểm soát hỗ trợ giảm thiểu rủi ro, cùng với việc trúng thầu hơn 8.000 tỷ và thu hồi nợ tích cực góp phần củng cố dòng tiền.
Ngày 25/4 vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC), ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ 2024 là năm thứ năm liên tiếp Hòa Bình phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề từ đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị. Ngành xây dựng nói chung và đặc biệt là phân khúc công trình du lịch, nghỉ dưỡng - lĩnh vực trọng yếu của Hòa Bình vẫn còn những “vết thương” chưa lành. Thị trường bất động sản tuy có dấu hiệu hồi sinh nhưng vẫn còn chậm, cạnh tranh trong ngành xây dựng diễn ra vô cùng khốc liệt, đôi khi thiếu lành mạnh.
Bước sang năm 2025, Chủ tịch HBC cho rằng đây sẽ là năm khởi sắc của ngành xây dựng nói chung và Hòa Bình nói riêng. Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho hàng loạt dự án đang bị đình trệ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục đạt giá trị ấn tượng, thể hiện sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác. Ngành du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch.
Với bối cảnh trên, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận 360 tỷ đồng. Đây là mục tiêu thận trọng sau khi cân nhắc các yếu tố thị trường và năng lực tài chính của Tập đoàn.
Chủ tịch HBC kỳ vọng trong 3 năm tới, Hòa Bình khôi phục vị thế xứng đáng của mình.
Tại Đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về công tác quản trị rủi ro của Hòa Bình và kế hoạch để đảm bảo hoạt động liên tục trong giai đoạn sắp tới.
Trả lời cổ đông, Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu cho biết HĐQT đã trình ĐHĐCĐ thay đổi mô hình tổ chức, từ mô hình kiểm toán nội bộ sang mô hình ban kiểm soát. Hai mô hình này khác nhau về chức năng và đơn vị trực thuộc. Trong khi Ban Kiểm soát trực thuộc ĐHĐCĐ, nằm trên cả HĐQT thì Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT để kiểm soát hoạt động bên dưới.

Đoàn Chủ tọa HBC tại ĐHĐCĐ thường niên 2025
"Như vậy sẽ có thêm một lớp để kiểm soát các hoạt động nội bộ của công ty và báo cáo trực tiếp cho đại hội cổ đông. Mô hình Ban kiểm soát này chúng tôi tin sẽ mang lại sự minh bạch hơn, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và mang tới cái nhìn thực sự khách quan, hỗ trợ cho cả cho cổ đông và Hội đồng quản trị và kiện toàn lại hệ thống và bộ máy", ông Hiếu cho biết.
Ngoài ra, HBC đang tập trung các dự án dân dụng tại thành phố lớn, có nhu cầu ở thật, có tính khả thi cao với các chủ đầu tư lớn như Hoàng Huy, Gamuda, BRG, Đất Xanh…. Đây là bước đi cụ thể để hạn chế rủi ro, tập trung vào các dự án nằm tại thành phố lớn, có nhu cầu ở thực của khách hàng uy tín.
"Việc hoạt động liên tục, theo tôi đánh giá thì không có rủi ro về việc công ty có thể bị dừng hoạt động. Vì từ tháng 10/2024 cho tới tháng 4 năm nay, chúng ta đã trúng thầu được hơn 8.000 tỷ đồng. Có nghĩa là dòng tiền của chúng ta đang có sự cải thiện vượt bậc và không có rủi ro về việc dừng hoạt động trong cái giai đoạn sắp tới", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đối với phần thu hồi nợ, trong 620 tỷ đồng đã thu hồi, có 190 tỷ đồng là tài sản, HBC đang làm việc với môi giới để bán ra thị trường nhằm củng cố dòng tiền, giá bán tương đối tốt so với khi nhận lại từ chủ đầu tư.
"Giá bán Hòa Bình hiện tại bán ra tương đối tốt so với lúc mà Hòa Bình nhận lại từ chủ đầu tư. Vì thị trường bây giờ cũng đã cải thiện so với lúc lúc trước, cho nên có thể cải thiện dòng tiền cũng như lợi nhuận trong năm 2025 từ phát mãi tài sản nhận được từ chủ đầu tư", ông Hiếu cho hay.
Ngoài ra, Hòa Bình đang chú trọng việc tăng hiệu suất lao động và giảm chi phí quản lý doanh nghiệp để vừa tăng doanh thu và vừa giảm tiền chi phí. "Chắc chắn trong năm 2025, Hòa Bình không có rủi ro về hoạt động liên tục", ông Hiếu tiếp tục khẳng định.