Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên

Chiều 5-12, Ủy viên Ban TVTU, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã có buổi đối thoại với 200 đại biểu thanh niên đại diện cho hàng trăm ngàn thanh niên trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với thanh niên.

Tỉnh đoàn hỗ trợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tại Ngày hội Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp tổ chức ở H.Long Thành. Ảnh: N.Sơn

Tại buổi đối thoại, các đại biểu thanh niên đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.

* Đưa chuyển đổi số vào chương trình giáo dục

Mở đầu diễn đàn, chị Bùi Thị Kim Oanh (Huyện đoàn Cẩm Mỹ) đặt vấn đề, trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có giải pháp gì để đưa CĐS vào chương trình giáo dục để học sinh, sinh viên có thể ứng dụng nâng cao hiệu quả học tập, rèn luyện.

Giải đáp vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho hay, Sở GD-ĐT đã tham mưu ban hành nhiều kế hoạch về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ dạy - học, nghiên cứu khoa học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong GD-ĐT. Trong kế hoạch Sở GD-ĐT triển khai đến các cơ sở giáo dục hàng năm đều có các nội dung tiếp cận giáo dục trực tuyến; hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến; hình thành kho học liệu trực tuyến; xây dựng và hoàn thiện thư viện điện tử…

Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai cho rằng, việc triển khai CĐS trong trường học sẽ giúp học sinh, sinh viên tiếp cận, sử dụng và vận dụng công nghệ số trong học tập. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tại buổi đối thoại với thanh niên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC yêu cầu các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý các vấn đề đoàn viên thanh niên quan tâm tại buổi đối thoại.

Để học sinh, sinh viên tiếp cận được CĐS, ông Võ Hoàng Khai cho rằng, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên sử dụng các công nghệ số. Bên cạnh đó là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức các sân chơi sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong GD-ĐT; xây dựng các nội dung, tài liệu học tập phù hợp…

Anh Nguyễn Quang Huy (Huyện đoàn Long Thành) đề cập đến giải pháp thực hiện chỉ tiêu 15% thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình KH-CN do thanh niên chủ trì mà Chiến lược Phát triển thanh niên đề ra.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, để đạt được chỉ tiêu 15% thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, đời sống, các công trình nghiên cứu đều được bàn giao cho các đơn vị chuyên môn chủ động lập kế hoạch ứng dụng kết quả nghiên cứu, trong đó chú trọng giao việc thực hiện cho lực lượng thanh niên tại đơn vị. Đối với chỉ tiêu 15% công trình KH-CN do thanh niên chủ trì, Sở KH-CN có chủ trương sử dụng lực lượng nghiên cứu viên trẻ, có trình độ tham gia thực hiện.

* Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Bí thư Đoàn Trường đại học Công nghệ Miền Đông nêu ý kiến, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng…, nhưng thực tế hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cá nhân chị Huyền cũng như nhiều thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp mong muốn được hỗ trợ.

Nhận thấy được những khó khăn trong khởi nghiệp nên Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Lại Thế Thông, mỗi chương trình hỗ trợ đều quy định về lộ trình, điều kiện, đối tượng và thời gian xét duyệt. Do đó, đoàn viên thanh niên cần thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục hồ sơ theo đúng quy định và lưu ý về thời gian xét duyệt để đảm bảo phù hợp lộ trình triển khai.

Liên quan đến khởi nghiệp, anh Nguyễn Quốc Hưng (Huyện đoàn Cẩm Mỹ) đề cập đến các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế trang trại, HTX nông nghiệp…, nhất là các chính sách hỗ trợ mô hình kinh tế thanh niên sử dụng công nghệ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ…

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh đã cung cấp hàng loạt chính sách hỗ trợ; trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX… theo Luật HTX năm 2023. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ thanh niên tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất nông nghiệp khi áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chính sách hỗ trợ khuyến nông; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xúc tiến thương mại…

Trong khi đó, anh Phạm Tiến Đạt (ở H.Vĩnh Cửu) lại quan tâm đến chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với các mô hình phát triển du lịch địa phương.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Bùi Thanh Nam cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch, tỉnh ưu tiên dành nguồn ngân sách để đầu tư hạ tầng du lịch, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối khu, điểm du lịch.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202312/lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-cua-thanh-nien-a935ce7/