Làm rõ quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, sáng nay, 26.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 4, Điều 5), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Một số ý kiến cho rằng, nghĩa vụ của người tiêu dùng cần kiểm tra về hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của luật này là chưa phù hợp, vì đối với một số loại hàng tiêu dùng hằng ngày thì người tiêu dùng có khả năng phát hiện được khi không đạt yêu cầu nhưng có nhiều loại hàng hóa mà không thể dùng mắt thường để đánh giá về chất lượng. Do đó, đề nghị cân nhắc để chỉnh lý cho hợp lý quy định này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc kiểm tra hàng hóa theo quy định tại dự thảo Luật nhằm xử lý kịp thời đối với các lỗi có thể quan sát bằng mắt thường, hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh. Đối với các lỗi được phát hiện trong quá trình sử dụng thì sẽ được xử lý theo quy định về bảo hành hoặc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Dự thảo Luật quy định nghĩa vụ kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật, không áp dụng bắt buộc đối với tất cả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Đoàn ĐBQH Đồng Nai dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Đoàn ĐBQH Đồng Nai dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quy định về người tiêu dùng dễ bị tổn thương còn mang tính liệt kê

Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp, phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành; đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Góp ý về nghĩa vụ của người tiêu dùng, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nêu rõ, khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định “Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã giải thích và cho rằng việc kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận là không bắt buộc đối với mọi trường hợp. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý nội dung này cần được phân tích làm rõ để bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế. Cụ thể, đối với hàng hóa, sản phẩm thì có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ thì chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng, vì vậy không thể quy định kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung. Mặt khác, người tiêu dùng có thể lựa chọn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm theo nhãn mác, giấy chứng nhận còn với dịch vụ thì không thể xác định theo những tiêu chí này.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng cần thống nhất cách hiểu “nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng” là gì, giải thích thêm quy định này để rõ nghĩa vụ cần tuân thủ của người tiêu dùng.

Về bảo về người tiêu dùng dễ bị tổn thương quy định tại Điều 8 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị quy định ngay tại điểm a, khoản 2 Điều này việc người tiêu dùng phải đưa ra tài liệu, giấy tờ xác định mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương để tổ chức, cá nhân kinh doanh biết trước khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm văn hóa, dịch vụ.

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Phân tích rõ việc xác định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trong dự thảo Luật còn mang tính liệt kê, một số đối tượng cụ thể có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, và càng liệt kê càng thiếu, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, quy định như vậy dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp. Vì vậy, cần sửa đổi, biên tập lại khoản 1 Điều 8 cho phù hợp theo hướng xác định mang tính bao quát một số nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đại biểu đề xuất có 4 nhóm gồm: người có kiến thức hiểu biết hạn chế; người khuyết tật; người nghèo, người thu nhập thấp; người sinh sống ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở 4 nhóm đối tượng này, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa với các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương với những chính sách phù hợp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và tham gia nhiều ý kiến chất lượng, trách nhiệm về một số nội dung như phạm vi, khái niệm điều chỉnh, khái niệm người tiêu dùng, áp dụng pháp luật, tính thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của các tổ chức xã hội… Ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc, giải trình kỹ lưỡng để bảo đảm hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/lam-ro-quy-dinh-kiem-tra-san-pham-hang-hoa-dich-vu-truoc-khi-nhan-i330153/