'Làm đường sắt tốc độ cao, Việt Nam phải làm chủ công nghệ'
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, việc chuyển giao công nghệ có thể tốn chi phí cao lúc đầu nhưng sẽ bền vững về sau, giúp Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Thảo luận tại tổ sáng 13/11, các đại biểu Đoàn TP Hà Nội đều bày tỏ nhất trí cao với chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc đầu tư dự án là hết sức cấp thiết, đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân. “Đất nước ta theo chiều dài nên cần phát triển giao thông trục dọc, cùng với là việc nằm cạnh thị thường lớn gần 1,5 tỷ dân, cần thiết phải thúc đẩy giao thương,” ông Trí nói.
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường, với vị trí đất nước nằm theo chiều dọc thì phải tạo thành một hành lang kinh tế, cần kết nối để tạo ra sự lan tỏa, tránh tình trạng như hiện nay chỉ phát triển ở một thành phố lớn có giao thông. Hơn nữa, logistics của Việt Nam vẫn là “điểm nghẽn”, không thu hút được đầu tư phát triển. Ông kỳ vọng đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết “điểm nghẽn” này.
Đồng tình với sự cấp thiết đầu tư dự án nhưng các đại biểu cũng còn một số băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí và đại biểu Hoàng Văn Cường đều muốn làm rõ tính lưỡng dụng của dự án, với yêu cầu làm sao để ngoài vận chuyển hành khách thì còn vận chuyển cả hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Âu...
Về phương thức đầu để đạt tiến độ khi thực tế 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM đều kéo dài nhiều năm không hoàn thành, GS Hoàng Văn Cường nêu bài học qua việc hoàn thành “thần tốc” đường dây 500kV mạch 3. “Đó chính là chúng ta phải làm chủ, là nhà đầu tư, nhà thầu,” ông Cường nói.
Theo ông Cường, nếu đi thuê nhà thầu thì chỉ cần vướng một yếu tố đó, họ sẽ dừng lại và gây chậm tiến độ. Vì vậy, ông đề xuất công nghệ làm đường sắt cao tốc không quan trọng là nước nào nhưng phải chuyển giao, phải làm chủ việc đầu tư, triển khai. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề đúng tiến độ và quan trọng hơn là trở thành ngành sản xuất của Việt Nam. “Nếu đi thuê thì sau này chúng ta sẽ tiếp tục lệ thuộc trong quá trình vận hành về sửa chữa, bảo dưỡng - trở thành món nợ cho muôn đời sau,” ông Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm, việc chuyển giao công nghệ đường sắt phụ thuộc vào thị phần, với quy mô lên tới 150 tỷ USD (gồm đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt đô thị) thì Việt Nam đã đủ lớn để triển khai. Việt Nam cũng đã có bài học về chuyển giao công nghệ, như Vin Fast nhận chuyển giao công nghệ và đã trở thành nhà sản xuất ô tô.
“Vì vậy tôi tha thiết đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này phải ghi rất rõ yêu cầu chuyển giao công nghệ. Việt Nam phải làm chủ để đầu tư dự án, từ đó có thể tự làm toàn bộ hệ thống đường sắt sau này chứ không phải đi mua nữa. Đi mua thì rẻ hơn nhưng thà đắt một lần mà bền vững về sau,” GS Hoàng Văn Cường đề xuất ý kiến.
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng có ý kiến tương đồng với GS Hoàng Văn Cường về việc chuyển giao công nghệ. Theo ông, kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai các dự án đường sắt ở Hà Nội và TP HCM cho thấy, rất nhiều tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung. Mỗi dự án một công nghệ khác nhau nên hệ thống duy tu duy trì, khai thác vận hành đều phải xây dựng riêng.
Ông Thường cho biết, hoạt động chuyển giao công nghệ trong các dự án đường sắt hiện nay mới chỉ tập trung vào đào tạo phục vụ vận hành tuyến, các trang thiết bị vận hành hầu hết nhập khẩu từ nước ngoài, chưa có sản xuất trong nước nên trường hợp thay thế phải phụ thuộc phía nhà sản xuất nước ngoài.
Vì vậy theo ông Thường, chuyển giao công nghệ không chỉ dừng lại ở làm chủ khai thác vận hành, mà phải bao gồm cả khâu sản xuất, lắp đặt trang thiết bị, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi như tàu điện, đường ray và hệ thống tín hiệu. “Phí chuyển giao công nghệ là một trong những khoản chi phí lớn, quan trọng cần được xác định trong dự án,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu ý kiến.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung điều khoản công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước, hoàn tất đàm phán chuyển giao công nghệ với các công ty nội địa và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu; và phải thành lập bộ phận giám sát, đánh giá việc chuyển giao công nghệ.