Cơ hội lớn cho dừa tươi Tiền Giang

Chuyến hàng dừa tươi đầu tiên của tỉnh Tiền Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 10-2024 vừa qua, đã mở ra cơ hội lớn cho ngành dừa của tỉnh Tiền Giang. Thúc đẩy phát triển bền vững và khẳng định giá trị dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sự kiện này là bước tiến lớn trong việc tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng dừa tại địa phương.

Tỉnh Tiền Giang với hơn 21.650 ha dừa, hiện là một trong những khu vực trồng dừa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và hạ tầng ngày càng phát triển, ngành dừa Tiền Giang không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam ra thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa dừa Tiền Giang đến với người tiêu dùng Trung Quốc, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã phối hợp cùng Công ty cổ phần FADO iExport và Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) triển khai chuyến xuất khẩu dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, với lô hàng gồm 3 công, tổng cộng 60.000 trái dừa tươi, được vận chuyển bằng đường sắt trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt. Để đảm bảo chất lượng, mỗi trái dừa đều được giữ lạnh ổn định ở nhiệt độ 2 - 30C, độ ẩm 30%, và thông gió 25 CBM/H, giúp duy trì độ tươi khi đến tay người tiêu dùng.

Nhân viên đang sơ chế dừa tại Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát.

Ông Nguyễn Minh Hân, Giám đốc Công ty cổ phần FADO iExport cho biết, quy trình kiểm định chất lượng được tuân thủ chặt chẽ từ khâu trồng trọt, thu hoạch, đến đóng gói, đảm bảo đạt chuẩn chất lượng mà phía Trung Quốc yêu cầu. Dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có giá bán cao hơn từ 30 - 40% so với giá trong nước.

Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý và hỗ trợ các hộ nông dân nhằm đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của thị trường Trung Quốc. Được hỗ trợ bởi UBND tỉnh Tiền Giang và các sở, ngành, hợp tác xã đã tiến hành liên kết vùng trồng dừa trên 100 ha, tạo điều kiện cho nông dân tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát cho biết: “Chúng tôi đã liên kết với các hộ trồng dừa và tổ chức mua gom sản phẩm đạt chuẩn. Để xuất khẩu sang Trung Quốc, mỗi trái dừa tươi phải đảm bảo về kích thước, chất lượng và được xử lý đúng quy trình. Chúng tôi cũng thực hiện kiểm tra định kỳ và hỗ trợ nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình trồng trọt và thu hoạch, đồng thời cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đạt chuẩn”.

Đối với quy trình sản xuất, Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát đã triển khai dây chuyền chế biến tiên tiến, từ việc chọn lọc, làm sạch, đến đóng gói sản phẩm. Mỗi trái dừa tươi sau khi được thu hoạch sẽ trải qua quá trình gọt vỏ, rửa sạch và đóng gói trong môi trường giữ lạnh trước khi được vận chuyển. Hợp tác xã cam kết thu mua sản phẩm đạt chuẩn từ nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường trong nước, tạo động lực và hỗ trợ ổn định thu nhập cho các hộ trồng dừa.

Tại buổi lễ khởi hành chuyến xe đầu tiên vận chuyển dừa tươi Tiền Giang xuất khẩu sang Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng nhấn mạnh, việc đưa dừa tươi Tiền Giang vào thị trường Trung Quốc là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Đây là bước đi quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành dừa và nâng cao vị thế nông sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đề nghị Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch phát triển sản xuất vùng trồng dừa theo từng vùng sản xuất tập trung có lợi thế, có quy mô phù hợp, gắn với hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng, tăng cường xúc tiến thương mại trái dừa tươi đến các thị trường tiềm năng.

Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn bà con nông dân, các hợp tác xã sản xuất dừa thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích trồng dừa khi không có liên kết sản xuất và tiêu thụ; tích cực hướng dẫn nông dân, hợp tác xã thực hiện hiệu quả theo tín hiệu của thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

L.OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202411/dua-tuoi-chinh-thuc-co-mat-tai-thi-truong-trung-quoc-co-hoi-lon-cho-dua-tuoi-tien-giang-1026501/