Giá xăng dầu sẽ giảm rất mạnh trong thời gian tới?
Với chính sách hỗ trợ cho phát triển năng lượng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, giá xăng dầu được dự báo sẽ có xu hướng giảm.
Trong báo cáo mới phát hành, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Citi (Mỹ) cho biết, giá dầu sẽ rớt xuống 60 USD/thùng trong năm 2025. Nguyên nhân là ông Trump có những thúc đẩy về chính sách năng lượng, đầu tư mạnh mẽ hơn cho dầu khí để gia tăng nguồn cung.
Giá xăng dầu dưới thời ông Trump
Mặt khác, ông Trump có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với OPEC để thuyết phục nhóm này tăng nguồn cung. Đồng thời, thị trường dầu kỳ vọng dưới thời ông Trump sẽ ít căng thẳng địa chính trị, qua đó cũng giúp giá xăng dầu hạ nhiệt.
Ông Trump có thể bãi bỏ các quy định gắt gao về khoan dầu mỏ tại Mỹ, nhờ đó chi phí vận hành giàn khoan giảm, nguồn cung sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu ông Trump tạo ra một thỏa thuận với Nga, điều đó sẽ đưa dầu của Nga ra khỏi danh sách trừng phạt. Nguồn cung dầu sẽ nhiều hơn.
Thậm chí nếu kinh tế toàn cầu không tăng trưởng dẫn đến cầu dầu thấp, giá dầu có thể giảm đến mức khó dự báo.
Ngân hàng Goldman Sachs (Đức) cũng lưu ý, các chính sách thương mại của ông Trump có thể tác động đến sự giảm giá dầu. Bởi vì khả năng xảy ra chiến tranh thương mại gia tăng dưới thời ông Trump có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó làm chậm nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, bức tranh dài hạn cũng có nhiều áp lực lên giá dầu. Chẳng hạn, ông Trump áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran có thể khiến thế giới mất nguồn cung 1 triệu thùng dầu/ngày và gia tăng khả năng giá dầu tăng.
Theo giới phân tích, đồng đô la Mỹ và giá dầu có những liên quan nhất định. Việc đồng USD suy yếu sẽ gây trở ngại cho việc tăng giá dầu. Ngược lại, nếu sức mạnh trong ngắn hạn của đồng đô la Mỹ được cải thiện thì điều này có thể hỗ trợ giá dầu tăng cao.
Hiện nay, sau khi ông Trump đắc cử, đồng đô la Mỹ đang tăng giá mạnh vì giới đầu tư đang khá lạc quan về kinh tế sẽ tốt hơn trong tương lai. Những chính sách của ông Trump tập trung cho sự thịnh vượng của nước Mỹ cũng đem lại sự kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế nước này. Khi đó, đồng USD tiếp tục được củng cố sức mạnh, giá xăng dầu khó có mức giảm mạnh.
Nhìn về quá khứ, giai đoạn 2016-2020, thời kỳ ông Trump đang là Tổng thống Mỹ thứ 45, giá dầu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, đại dịch COVID-19, và các quyết định của OPEC. Nhưng giá dầu chưa khi nào vượt lên mốc 90 USD như thời Tổng thống Biden.
Giá xăng dầu giảm, kinh tế hưởng lợi
Lạm phát thế giới hạ nhiệt đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng năm 2024 giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt phải kể đến mặt hàng xăng dầu, là một trong những mặt hàng chiếm tỉ trọng không nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam và giá mặt hàng này lại phụ thuộc chủ yếu vào giá của thế giới.
Do giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III-2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.
Tổng cục Thống kê
Những tác động
Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông lớn trong lĩnh vực xăng dầu Việt Nam là Petrolimex cho biết, nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm.
Nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước cũng khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả. Nhìn chung từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam đang thiết lập mức giá hợp lý để phục vụ nền kinh tế và ổn định lạm phát.
Giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Mặc dù trên thế giới vẫn còn nhiều điểm nóng căng thẳng địa chính trị, đặc biệt khu vực Trung Đông, nhưng giá dầu thô toàn cầu không có dấu hiệu tăng vọt. Nguyên nhân còn nằm ở việc các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang tăng trưởng chậm.
Theo Bloomberg, nếu xung đột Iran và Israel leo thang khiến eo biển Hormuz bị đóng cửa, giá dầu có thể tăng lên trên 100 USD/thùng do thiếu hụt nguồn cung từ các nước thuộc khu vực Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra.
Các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán dầu khí PSI cho biết, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2025 chưa thể tăng nhanh do tình hình kinh tế tại các nước phục hồi chậm. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ các nước như Mỹ, Brazil tiếp tục tăng.
Đặc biệt, các thành viên OPEC có thể tiến hành việc tăng sản lượng cung ứng ra thị trường trong năm 2025. Ngoài ra, đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe điện vẫn sẽ là một thách thức cho nhiên liệu hóa thạch.
Do đó, một số tổ chức lớn trên thế giới đã dự báo giá dầu trung bình trong năm 2025 sẽ ở ngưỡng dưới 80 USD/thùng.
“Trong năm 2025, chúng tôi dự báo giá dầu sẽ dao động quanh ngưỡng 70-80 USD/thùng, mức giá này vẫn mang lại lợi nhuận đối với các doanh nghiệp khai thác và có thể hỗ trợ phần nào sự phục hồi chung của nền kinh tế” - PSI đánh giá.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng giá dầu thô có thể xuống còn khoảng 40 -60 USD một thùng trong năm 2025.
Thực tế, vào năm 2017, giá dầu đã từng rớt xuống 40 USD/thùng, và khi đó giá xăng Việt Nam đã điều chỉnh mạnh về mức 15.000 đồng/lít. Còn vào tháng 6-2022, giá xăng Việt Nam đã từng chạm gần mức 32.000 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử giá xăng Việt Nam.
Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, thị trường xăng dầu là một hệ thống cực kỳ nhạy cảm, chịu tác động của vô số yếu tố, cả trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, các xung đột địa chính trị, các căng thẳng thương mại, sự tăng trưởng hay giảm tốc của các nền kinh tế lớn trên thế giới hay các quyết định của OPEC về tăng giảm cung, cũng như đồng USD tăng giá mạnh đều tác động trực tiếp đến giá xăng dầu.
Sự biến động giá xăng dầu không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của mỗi người dân.
Việt Nam là nước phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu nên cũng bị tác động bởi các nhân tố trên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát các biến động giá xăng dầu dựa trên nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, và người dân không bị tác động mạnh bởi chi phí cao.
Đó là kiểm soát thuế phí trên xăng dầu, hay Nhà nước có thể sử dụng nguồn ngân sách để bù đắp một phần chi phí tăng thêm cho các doanh nghiệp vận tải, sản xuất, nhằm hạn chế việc truyền lạm phát vào các mặt hàng tiêu dùng khác.
“Trong dài hạn, Nhà nước tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, cũng như chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào năng lượng hóa thạch sang mô hình kinh tế xanh nhằm giảm thiểu tác động từ giá năng lượng” - ông Phương nói.
Bộ Tài chính mới đây đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm khoảng 70% đối với nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa. Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 đến hết ngày 31-12-2025.
Như vậy, dự kiến mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, trừ etanol giảm từ 4.000 đồng còn 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng còn 1.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ổn định, cần tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 nhằm góp phần bình ổn giá bán xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát.
"Quá trình thực hiện chính sách giảm mức thuế này đối với các mặt xăng, dầu và mỡ nhờn trong thời gian qua góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", Bộ Tài chính lý giải.
Giá dầu giảm mạnh do lo ngại dư thừa nguồn cung
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dẫn các nguồn tin dự báo nguồn cung có thể gia tăng trong năm 2025 đã gây sức ép lên giá cả hai mặt hàng dầu. Ví dụ chốt phiên giao dịch ngày 11-11, giá dầu thô WTI giảm 3,32% xuống còn 68,04 USD/thùng; giá dầu thô Brent giảm 2,76%, đạt 71,83 USD/thùng.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Bank of America (BoA), tăng trưởng nguồn cung dầu từ các nước không thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ đạt mức 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 900.000 thùng/ngày vào năm 2026.
Ngân hàng này nhận định rằng tồn kho dầu toàn cầu sẽ gia tăng, ngay cả trong trường hợp OPEC không điều chỉnh tăng sản lượng. Những dữ liệu này đã củng cố thêm nhận định của thị trường về việc tồn kho dầu toàn cầu sẽ tăng và gây sức ép lên giá.
Thêm vào đó, tình hình tiêu thụ dầu tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thêm vào đó, giá trị đồng bạc xanh neo ở mức cao khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn cho những nhà nhập khẩu mua bằng đồng tiền khác, dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu suy giảm, từ đó tạo thêm sức ép lên giá dầu thế giới.
Về phía nguồn cung, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã nhấn mạnh ủng hộ đối với việc mở rộng khai thác dầu khí tại Mỹ, dấy lên lo ngại về dư thừa nguồn cung trong tương lai.
Với các yếu tố trên, một số chuyên gia cho rằng giá dầu thô có thể xuống còn khoảng 40 -60 USD một thùng trong năm 2025.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/gia-xang-dau-se-giam-rat-manh-trong-thoi-gian-toi-post819593.html