Làm cha mẹ khiến người lớn trưởng thành hơn

Việc nuôi nấng một đứa trẻ tạo cơ hội cho cha mẹ nhìn lại bản thân mình. Họ học cách khắc phục các nhược điểm, trở thành con người tự tin, bản lĩnh hơn để đồng hành cùng con cái.

 Ths Phương Hoài Nga và diễn giả Đinh Tiến Dũng tại buổi tọa đàm. Ảnh: A.. ra thế.

Ths Phương Hoài Nga và diễn giả Đinh Tiến Dũng tại buổi tọa đàm. Ảnh: A.. ra thế.

Trong 15 năm làm việc ở lĩnh vực tâm lý học trẻ em, chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga tiếp nhận tâm tư của các bậc làm cha làm mẹ. Bản thân chị cũng là một người mẹ nuôi dạy hai con nhỏ.

Giống nhiều phụ huynh khác, chị đã trải qua những ngày tháng đầy căng thẳng và hoài nghi, khi không biết mình nuôi dạy con như vậy đã đúng đắn chưa.

Xuất phát từ tâm trạng chung của nhiều ông bố, bà mẹ thời hiện đại, chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga đã viết cuốn sách Làm cha mẹ hoàn hảo. Ấn phẩm được thực hiện với mong muốn có một cuốn cẩm nang hữu ích, đồng hành cùng các bậc phụ huynh, giúp họ gỡ bỏ các trở ngại tâm lý, tự tin hơn trong hành trình làm cha mẹ.

Các vấn đề về làm cha mẹ cùng nội dung sách được thảo luận trong buổi tọa đàm diễn ra chiều 19/3 tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của tác giả Phương Hoài Nga và diễn giả Đinh Tiến Dũng, người được biết đến với cái tên "giáo sư" Cù Trọng Xoay.

Tâm lý sợ con thua thiệt

Thạc sĩ Phương Hoài Nga cho biết trong nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, tiếp xúc với lượng lớn các bậc cha mẹ, chị thấy phụ huynh ngày nay chịu nhiều áp lực. Nhiều người nghĩ rằng mình chưa làm tốt vài trò của người cha, người mẹ. Lẽ ra nên cho con học thêm môn này, môn kia... để con phát triển toàn diện hơn.

 Cuốn sách Làm cha mẹ hoàn hảo của tác giả Phương Hoài Nga. Ảnh: A.. ra thế.

Cuốn sách Làm cha mẹ hoàn hảo của tác giả Phương Hoài Nga. Ảnh: A.. ra thế.

Tâm lý sợ con thua thiệt đã ám ảnh nhiều bậc phụ huynh. Nếu không có sự kiên định và lập trường vững vàng, một số người sẽ dạy con theo kiểu "đẽo cày giữa đường".

Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, các bậc phụ huynh được tiếp cận với nhiều luồng thông tin về các phương pháp nuôi dạy con cái. Mỗi phương pháp lại có một ưu điểm riêng, khiến cho các bậc cha mẹ bị "nhiễu" thông tin, không biết làm thế nào mới tốt cho con.

Một số phụ huynh đã từng chia sẻ với tác giả, trước kia cha mẹ của họ phải làm việc rất vất vả, vẫn nuôi nấng bốn, năm người con trưởng thành, mà không cần đến phương pháp dạy làm cha mẹ, việc nuôi con cứ theo bản năng mà làm.

Từ đó chúng ta thấy việc thiếu thông tin khiến các bậc phụ huynh ở thế hệ trước nuôi con với một tâm thế thoải mái hơn. Họ không tự so sánh mình với các bậc cha mẹ khác. Tác giả khuyên các bậc cha mẹ đừng nản lòng khi xuất hiện rào cản tâm lý trong quá trình nuôi con.

Cảm thấy áp lực trong quá trình chăm sóc một đứa trẻ là vấn đề mà ông bố, bà mẹ nào cũng gặp phải. Phương Hoài Nga tâm sự: “Dù là một chuyên gia tâm lý, trong quá trình nuôi hai con nhỏ, nhiều lúc tôi cũng thấy rất áp lực, thậm chí phải hét thật to để giải tỏa sự căng thẳng đó”.

Có một câu nói rất nổi tiếng: “Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ”. Nuôi con là quá trình bố nhìn lại bản thân, học cách khắc phục các nhược điểm và hoàn thiện chính mình. Dạy con là một quá trình tương tác giữa hai bên, đừng áp đặt con cái.

Đừng chăm chăm nhìn vào cách người khác dạy con

Với tư cách là một ông bố hai con, diễn giả Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Con cái là sự tiếp nối của cha mẹ, chúng giống bố mẹ về nguồn gen, ngoại hình, tính cách. Khi sinh một đứa con, chúng ta sẽ có cảm giác bản thân mình được tái sinh trong một hình hài khác.

 Buổi tọa đàm đã thu hút nhiều phụ huynh tham gia. Ảnh: A.. ra thế.

Buổi tọa đàm đã thu hút nhiều phụ huynh tham gia. Ảnh: A.. ra thế.

Bởi thế, khi nuôi dạy con cái, nhiều bậc phụ huynh nghĩ đó là cơ hội để mình sửa chữa những thiếu sót và nhược điểm của bản thân. Những thứ mình chưa được học khi còn nhỏ, do điều kiện kinh tế trước kia còn khó khăn, thì giờ đây họ tạo điều kiện cho con cái học, với suy nghĩ biết những điều ấy là tốt cho con.

Tuy nhiên, họ lại quên mất một điều quan trọng: Cha mẹ và con cái dù giống nhau về ngoại hình, hay tính cách thì vẫn là hai cá thể khác biệt, có cá tính riêng. Bố mẹ có thể khuyến khích con học hỏi điều mới, coi đó như một cơ hội để trải nghiệm. Nhưng các bậc phụ huynh phải quan sát con cái, và tôn trọng ý kiến của con, để biết con thực sự muốn gì.

Ngày nay, sự phát triển của mạng xã hội khiến cha mẹ gặp nhiều áp lực hơn trong việc nuôi dạy con cái. Trước kia, chỉ nghe vài người hàng xóm khoe với nhau về thành tích của con họ. Nhưng giờ đây, mỗi khi lên Facebook, người ta sẽ thấy hàng nghìn người kể về thành tích và tiến bộ của con cái họ.

Nhiều ông bố bà mẹ cũng hiểu rằng ép con cái học hành quá nhiều là điều không tốt, phải cho chúng thời gian để nghỉ ngơi, vận động thể chất. Nhưng khi lên mạng xã hội, thấy con của một người bạn đang học tiếng Anh, học vẽ, hay vừa giành giải ở một kỳ thi hùng biện, họ lại thấy lo lắng, sợ con mình thua kém so với bè bạn.

Tác giả Phương Hoài Nga cho biết với cuốn sách Làm cha mẹ hoàn hảo cô muốn đồng hành với các bậc phụ huynh, lý giải các khó khăn và vướng mắc mà họ đang gặp phải. Cô hy vọng các ông bố, bà mẹ sẽ cảm thấy thảnh thơi như được trò chuyện với một người bạn thân, cũng đang làm cha mẹ.

Từ đó, họ nhìn thấu những thay đổi của bản thân, điều chỉnh cảm xúc và tư tưởng sao cho phù hợp để hành trình làm cha mẹ trở nên đơn giản hơn.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-cha-me-khien-nguoi-lon-truong-thanh-hon-post1413373.html