Lại 'nóng' việc chuyển giao, sáp nhập ngân hàng

Vietcombank, VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, còn TPBank muốn mua lại công ty con mảng quản lý quỹ. Trong khi đó, cổ đông MSB không đồng ý sáp nhập…

Đây là những thông tin mới nhất vừa được lãnh đạo các ngân hàng này trả lời cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.

Chủ đề “nóng” tại nhiều đại hội

Tại ĐHĐCĐ năm 2023 của Vietcombank, VPBank diễn ra trong tuần qua, lãnh đạo các ngân hàng này cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém. "Hiện nay phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ NHNN phê duyệt", ông Phạm Quang Dũng, chủ tịch Vietcombank cho biết.

Còn ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay: VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. "Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng", ông Dũng nói.

Đáng chú ý, VPBank còn trình cổ đông thống nhất đầu tư góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết. Trong đó, đại hội cổ đông thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia cơ cấu lại/hỗ trợ TCTD, quỹ tín dụng yếu kém hoặc hình thức khác với các doanh nghiệp, TCTD khác.

M&A là chủ đề được cổ đông VPBank quan tâm tại mùa đại hội năm nay.

Tuy nhiên không phải ngân hàng nào trình cổ đông cũng được “thuận buồm xuôi gió.” Trong tờ trình cổ đông, MSB nhấn mạnh dự kiến TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Tuy nhiên, kết quả biểu quyết tại đại hội cho thấy, đại hội đồng cổ đông MSB đã không thông qua tờ trình về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác. Chỉ hơn 56% cổ đông tham dự đồng ý với phương án nhận sáp nhập, chưa đạt tỉ lệ cần thiết là 65%.

Tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 26/4, HĐQT TPBank chủ trương tham gia tái cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Hanico - HAFIC, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết: Khi TPBank tham gia tái cơ cấu, vấn đề này đều có sự chuẩn bị và xem xét kỹ lưỡng. Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ HAFIC theo phương án tự khắc phục, tự phục hồi. Nếu phương án hoàn tất thì TPBank sẽ có thêm 1 công ty tài chính tiêu dùng để đa dạng thêm hệ sinh thái của ngân hàng TPBank.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ của MB được tổ chức ngày 25/4, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của MB, cho hay kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém của MB đang trong giai đoạn định giá, dự kiến cuối năm 2023 hoặc đầu 2024 mới có thể nhận chuyển giao.

Tương lai màu hồng?

Việc mua bán, sáp nhập một TCTD sẽ là cơ hội hay là trách nhiệm chính trị đối với các ngân hàng?

Theo ông Dũng: "Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới".

Trong khi đó, lãnh đạo của MB cho rằng việc thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Cụ thể, MB sẽ tiếp nhận khoảng 401 điểm giao dịch sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư và tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số.

Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt. Qua đó, MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/hoặc tăng quy mô cho MB.

Việc tham gia tái cơ cấu TCTD cũng là một trong các điều kiện để MB được ưu ái hơn trong quá trình xin nới room tín dụng và một số ưu đãi riêng theo quy định của NHNN.

Có thể thấy, đa số các ngân hàng đã lộ diện kế hoạch sáp nhập đều có cái nhìn lạc quan về những thương vụ đình đám này.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường tăng vốn ngắn nhất đối với nhiều ngân hàng hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn.

Bên cạnh việc tăng vốn, chi nhánh của các ngân hàng sẽ được mở rộng, trong bối cảnh việc mở mới này bị NHNN siết chặt.

Mặc dù chưa được cổ đông thông qua phương án sáp nhập, nhưng trước đó tại tờ trình, Ban lãnh đạo MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập để tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB.

Có thể thấy, việc sáp nhập sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Tuy nhiên, cơ hội để M&A ngân hàng trên thị trường không nhiều và đây cũng là lý do nhiều ngân hàng lớn lựa chọn hình thức nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

Hiện có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, bao gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Còn với Ngân hàng Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-nong-viec-chuyen-giao-sap-nhap-ngan-hang-1092256.html