Lạ miệng món ngon các vùng miền

Ẩm thực Việt Nam lâu nay được du khách quốc tế đánh giá cao về chất lượng, hương vị, sự tinh tế, chăm chút trong chế biến. Trong đó, nhiều món ngon mang đặc trưng các vùng miền được thực khách trong nước và quốc tế biết đến như: phở, bún, xôi, chè mang hương vị đặc trưng của từng vùng Bắc - Trung -Nam…

Món lam nhọ đặc sản của Lai Châu.

Món lam nhọ đặc sản của Lai Châu.

Bên cạnh những món ngon nổi tiếng có thể tìm gặp và thưởng thức ở bất cứ nơi đâu, ẩm thực Việt Nam “gây thương nhớ” cho du khách qua những món ăn đặc sản địa phương. Du khách chỉ có thể thưởng thức và cảm nhận hương vị khi món ăn được chế biến ngay tại địa phương, hoặc do người địa phương chế biến như: món chim gâu của Yên Bái, món lam nhọ của Lai Châu, món vếch bò của Đắk Lắk…

Độc đáo đặc sản địa phương

Trong các sự kiện về văn hóa ẩm thực, du lịch diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây, khách tham quan bị cuốn hút bởi những món ngon vùng miền được các đầu bếp từ các địa phương trong cả nước chế biến, trưng bày và phục vụ thực khách. Những món ngon từ Bắc vào Nam được sưu tầm, quảng bá tạo cho thực khách những ấn tượng khó quên sau khi trải nghiệm.

Lam nhọ là món ăn đặc sản được đánh giá độc đáo bậc nhất của tỉnh Lai Châu. Món ăn có cái tên lạ khiến nhiều người phải tò mò tìm hiểu và trải nghiệm. Giải nghĩa tên gọi của món ăn, các đầu bếp của tỉnh Lai Châu cho biết, đây là món ăn mang phong cách ẩm thực người dân tộc Thái, trong tiếng Thái, lam có nghĩa là nướng, còn nhọ nghĩa là nhừ. Món lam nhọ nghĩa là món ăn được nướng nhừ.

Đồng Nai là nơi nổi tiếng với nhiều món ngon như: xôi chiên phồng, gỏi cá, gỏi bưởi, gỏi măng cụt…

Nguyên liệu tạo nên món lam nhọ là thịt trâu hoặc bò tươi, kết hợp với các gia vị đặc trưng của vùng cao như: hạt mắc khén, ớt, gừng, tỏi, cà rừng... Bà Lò Thị Thắm, người dân tộc Thái đến từ tỉnh Lai Châu, chia sẻ để làm món lam nhọ, việc quan trọng nhất là chọn những miếng thịt trâu hoặc thịt bò tươi ngon nhất, không rửa bằng nước lạnh mà chỉ dùng khăn khô lau sạch và đem nướng chín. Thịt sau khi nướng chín sẽ cắt mỏng thành lát và trộn cùng các loại gia vị ớt, tỏi, gừng, cà rừng, rau bí... rồi cho vào ống tre và tiếp tục nướng cho đến khi chín nhừ. Món lam nhọ khi thưởng thức có vị ngọt đậm, thịt mềm nhừ, kết dính với nhau.

Không cầu kỳ ở khâu nguyên liệu như món lam nhọ của Lai Châu, tỉnh Yên Bái lại có món ăn độc đáo, gợi sự tò mò của người dùng là món bánh chim gâu. Bánh chim gâu của người Yên Bái gây ấn tượng bởi cái tên, cùng với ý nghĩa về tình yêu thương của những bà mẹ quê dành cho con cái.

Món vếch bò nổi tiếng của tỉnh vùng cao Đắk Lắk.

Món vếch bò nổi tiếng của tỉnh vùng cao Đắk Lắk.

Bánh chim gâu là đặc sản của người dân tộc Dao và Cao Lan. Những ngày lên nương rẫy, bánh chim gâu chính là bữa ăn giữa đồng của bà con nông dân. Đây là món ăn phổ biến và được yêu thích của đồng bào dân tộc địa phương. Đặc biệt, bánh chim gâu được tặng như một món quà đặc sản của Yên Bái.

Món bánh chim gâu gây nhớ thương cho người từng thưởng thức.

Món bánh chim gâu gây nhớ thương cho người từng thưởng thức.

Ông Trần Đức Quỳnh, đầu bếp phụ trách các món ăn miền Bắc của Hội đầu bếp Thái Nguyên, cho biết bánh chim gâu được gói theo hình dáng con chim gâu. Để làm được chiếc bánh độc đáo này, ngoài gạo nếp là nguyên liệu chính, bánh còn có đậu xanh, các loại lá cây, nước tro, thịt heo. Đặc biệt, nguyên liệu lá dứa rừng, một loại cây rất quen thuộc với người dân Yên Bái được dùng để đan thành hình con chim gâu làm vỏ bánh. Từ lâu, món bánh này đã trở thành đặc sản được các thực khách yêu thích khi dừng chân tại Yên Bái.

Lạ miệng món ăn vùng cao

Ẩm thực vùng cao vốn nổi tiếng bởi những món ăn được chế biến từ nội tạng động vật. Trong đó, nhiều món ngon được nhiều người biết đến như: thắng cố, nậm pịa, phá lấu, các món lòng luộc, cháo lòng… Tại Đắk Lắk, trong các buôn làng của người Ê-đê, món vếch bò được làm từ nội tạng bò cũng trở thành đặc sản để đãi khách quý.

Được nấu hàng giờ trên bếp củi, món vếch bò là món ăn truyền thống của người Ê-đê. Đặc sản này được người Ê-đê dùng để đãi khách đến chơi nhà hoặc trong các dịp lễ, tết trọng đại. Nguyên liệu chính của món ăn này gồm: nội tạng, da, gân bò và cà đắng.

Món dông cát nướng muối ớt của tỉnh Bình Thuận.

Món dông cát nướng muối ớt của tỉnh Bình Thuận.

Trong những dịp Tết, để chuẩn bị món vếch bò cho mâm cơm gia đình, những người Ê-đê phải vào rừng tìm trái cà đắng để nấu cùng. Như vậy, món ăn mới có độ sánh, béo ngậy. Vị béo ngậy của da và nội tạng bò, kết hợp với vị ngọt hậu của cà đắng khiến món ăn lạ miệng, hấp dẫn với các hương vị cay, đắng, thơm, bùi.

Đến miền cát trắng Ninh Thuận, Bình Thuận, đặc sản mà du khách thưởng thức ở vùng biển này không chỉ là hải sản, nơi đây còn một món ngon trứ danh là dông cát nướng muối ớt. Dông cát còn được gọi là con kỳ nhông. Đây là loại bò sát sinh sống chủ yếu ở các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Các đầu bếp 3 miền Bắc - Trung - Nam tại Lễ hội tôn vinh ẩm thực Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2023.

Các đầu bếp 3 miền Bắc - Trung - Nam tại Lễ hội tôn vinh ẩm thực Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2023.

Ngoài ra, dông cát còn dùng để chế biến thành nhiều món ngon khác như: gỏi dông, cháo dông, cà tím cuốn dông, dông nấu dưa hồng. Theo thời gian, những món ngon bình dân từ dông đã dần trở thành đặc sản đắt giá trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch...

Anh Trần Bình, khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ anh đã từng được thưởng thức món dông cát ngay tại thành phố biển Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận và cũng từng được thưởng thức tại một nhà hàng của Thành phố Hồ Chí Minh với giá thành khá cao. Ngay từ lần đầu thưởng thức món đặc sản, anh Bình đã cảm nhận được vị thơm, ngọt và độ săn chắc của thịt dông. Ngoài khẩu vị cuốn hút người dùng, qua tìm hiểu, anh Bình được biết, thịt dông còn được các thầy thuốc đông y sử dụng với công dụng giảm đau, tiêu độc, bổ sung dinh dưỡng.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/la-mieng-mon-ngon-cac-vung-mien-c96198f/