Kỳ 1: Những người 'chế biến' thảo dược từ nông sản

Sóc Trăng là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp nên nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, dồi dào. Từ nguồn nông sản có sẵn tại địa phương, một số cá nhân, cơ sở, tổ chức đã tận dụng để sản xuất ra nhiều sản phẩm thảo dược và dược liệu cung ứng ra thị trường, với mục tiêu giải quyết tốt đầu ra cho các loại nông sản, giúp bà con nông dân ổn định sản xuất và tăng thu nhập, đặc biệt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Mỗi vùng, miền đều có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp khác nhau, với tỉnh Sóc Trăng, loại cây trồng chính vẫn là lúa, cây ăn trái và nhiều loại hoa màu khác. Theo đông y, tất cả các loại nông sản được người dân sản xuất đều có công dụng và tốt cho sức khỏe của con người. Nắm bắt được “tác dụng” này, một số người đã nhạy bén sáng tạo trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm xem như là thảo dược, kể cả dược liệu, cung ứng trên thị trường.

Ý tưởng bào chế “thảo dược” từ nông sản

Trong một ngày đẹp trời giữa tháng 7, chúng tôi đến huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và gặp gỡ em Trương Thị An Khương, xã Gia Hòa 1 để tìm hiểu xem em đã bào chế tinh dầu dừa, tinh dầu gấc như thế nào, bởi đây là 2 loại nông sản được trồng nhiều tại các hộ gia đình ở nông thôn, nhất là cây dừa. Đến nhà An Khương đúng lúc em đang kiểm đếm lại số lượng dừa khô vừa thu hoạch từ vườn nhà, chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ sản xuất dầu dừa mới. Nở nụ cười hiền lành, An Khương bộc bạch: “Em có ý tưởng sản xuất dầu dừa đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021, thời điểm đó dừa tiêu thụ khó nên vườn dừa có rất nhiều trái khô. Dừa nhiều nếu bỏ đi rất phí nên em lấy thịt trái dừa sản xuất dầu dừa. Dầu dừa sau khi làm xong biếu cho nhiều người, họ đánh giá rất cao về công dụng, chất lượng dầu, mọi người gợi ý em nên bán sản phẩm".

Với sự khuyến khích này, An Khương đã mạnh dạn giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội và được nhiều người đặt mua hàng, hầu hết người mua về dùng uống trị đau bao tử, làm đẹp da, tóc, mi, mày… Theo đó, mỗi tháng em sản xuất bình quân khoảng 10 lít dầu dừa và số lượng dừa khô dùng sản xuất lên đến hàng ngàn trái/năm. Ngoài tận dụng trái dừa khô sản xuất dầu dừa, An Khương còn tận dụng nguồn trái gấc có sẵn tại gia đình và của người thân trồng được để làm tinh dầu gấc, bởi theo An Khương tìm hiểu thì trái này có rất nhiều vitamin A, E, F - đây là các loại vitamin tốt cho sức khỏe và có công dụng làm đẹp da. Chính vì vậy, An Khương đã dùng phần thịt bên trong trái gấc “bào chế” ra tinh dầu gấc và khi sản phẩm giới thiệu ra thị trường, rất nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng, bởi tinh dầu gấc giúp da sáng hơn, mịn màng hơn khi sử dụng dù chỉ qua lần đầu tiên cũng thấy ngay công hiệu của tinh dầu.

Chị Hoàng Thị Hằng, Phường 7, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) sử dụng các sản phẩm nông sản như khổ qua, gừng, đậu bắp “sáng chế” ra trà thảo mộc đạt 3 sao OCOP. Ảnh: TL

Chị Hoàng Thị Hằng, Phường 7, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) sử dụng các sản phẩm nông sản như khổ qua, gừng, đậu bắp “sáng chế” ra trà thảo mộc đạt 3 sao OCOP. Ảnh: TL

Là người “sáng chế” từ các loại rau củ quả tạo ra loại trà dùng pha nước uống, giúp thanh nhiệt cơ thể và giúp mọi người có giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn, chị Hoàng Thị Hằng, Phường 7 (TP. Sóc Trăng) - chủ thể sản phẩm trà thảo mộc 3 sao OCOP chia sẻ: “Nhận thấy tại địa phương dồi dào các loại nông sản như: khổ qua, gừng, đậu bắp… việc tiêu thụ có thời điểm không được tốt lắm nên tôi nảy ra ý nghĩ dùng các nông sản trên làm trà. Từ các loại nông sản nêu trên, tôi kết hợp lại tạo ra sản phẩm trà thảo mộc được thị trường ưa chuộng, tin dùng. Đồng thời, trong quá trình sản xuất trà thảo mộc, tôi đã phát triển thêm sản phẩm muối tắm cũng từ các loại nông sản trên, muối tắm có công dụng làm sạch da, giúp làm giảm rôm sảy ở trẻ em, mụn ở người lớn… Hầu hết các sản phẩm do tôi sản xuất từ các loại nông sản nên cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho con người, giống như một loại thảo dược hỗ trợ điều trị giảm một số bệnh lý trên người.

Hợp tác cùng nhau sản xuất

Nếu như với từng cá nhân có ý tưởng sản xuất các sản phẩm nông sản từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại hộ, tại địa phương thì các tổ chức như hợp tác xã (HTX), nhóm kinh doanh cũng tận dụng triệt để các sản phẩm nông sản để sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng là các loại trà thảo mộc, giúp tăng sức khỏe cho mọi người hay sản xuất ra các loại tinh dầu dược liệu, nhằm hỗ trợ phòng và điều trị một số bệnh lý trên người hiệu quả.

Một trong những HTX sản xuất dược liệu đi vào hoạt động chưa lâu nhưng sản phẩm tinh dầu dược liệu được rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, đó là HTX Sản xuất dược liệu Thanh Ngon Hưng Phú, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Với các loại tinh dầu như: tinh dầu sả, tinh dầu tràm, dầu khuynh diệp, tinh dầu cam, bưởi, mỗi loại có công dụng khác nhau nhưng nhìn chung đều tốt cho sức khỏe con người.

Giám đốc HTX Sản xuất dược liệu Thanh Ngon Hưng Phú Trần Thanh Ngon cho biết: “Là người công tác trong ngành y, tôi thấy tiềm năng lớn từ các loại nông sản tại địa phương trong việc dùng “bào chế” ra các loại tinh dầu có công dụng trong phòng, trị một số bệnh trên người, trong đó cây sả được trồng rất nhiều, giá bán không được tốt nên tôi tận dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất tinh dầu sả, vừa giúp bà con có đầu ra cho cây sả ổn định, vừa nâng giá trị cây sả. Bên cạnh đó, tôi cũng tận dụng nguồn nguyên liệu là các loại cam, bưởi sản xuất ra 2 loại tinh dầu này cung ứng khi thị trường yêu cầu, đặc biệt HTX tận dụng lá tràm, lá bạch đàn bỏ đi, khi thu hoạch cây bán để sản xuất ra các tinh dầu dược liệu. Theo đó, bình quân mỗi tháng HTX cần khoảng 1 tấn nguyên liệu các loại sả, vỏ cam, bưởi, lá tràm… để sản xuất ra các loại tinh dầu dược liệu. Để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, HTX xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 10ha và liên kết hộ dân địa phương trồng các loại nguyên liệu trên, cung cấp cho HTX…”.

Ngoài các cá nhân, HTX tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có sản xuất các loại tinh dầu, trà thảo mộc thì Cơ sở sản xuất kinh doanh Bảo Đăng của anh Trần Vũ Phong, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) tự trồng nấm đông trùng hạ thảo kết hợp nhiều loại nông sản có sẵn tại địa phương, đã cho ra sản phẩm trà thảo mộc. Đây là sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2021.

Nấm đông trùng hạ thảo do anh Trần Vũ Phong, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trồng được sấy thăng khô cung ứng thị trường vừa kết hợp các loại nông sản khác tạo ra trà thảo mộc. Ảnh: TL

Nấm đông trùng hạ thảo do anh Trần Vũ Phong, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trồng được sấy thăng khô cung ứng thị trường vừa kết hợp các loại nông sản khác tạo ra trà thảo mộc. Ảnh: TL

Anh Trần Vũ Phong tâm tình: “Tôi sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đã nhiều năm qua, bởi đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt rất tốt cho sức khỏe con người, nấm có công dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh. Chính vì vậy, cây nấm sau thu hoạch hầu hết tôi sẽ sấy khô, sấy thăng hoa, cung ứng cho người tiêu dùng trên thị trường. Gần đây, tôi còn tận dụng nguồn nguyên liệu từ các loại hạt đậu, hoa cúc, hoa đậu biếc, lá dứa… kết hợp với nấm đông trùng hạ thảo để tạo ra loại trà thảo mộc dùng uống, giúp mọi người tăng sức đề kháng, hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn và phòng một số loại bệnh trong cơ thể”.

Tiềm năng từ nguồn nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp dùng chế biến các loại “thảo dược” và dược liệu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khá lớn. Tuy nhiên, để sử dụng hết nguồn nguyên liệu trên thì cần có sự liên kết từ các cơ sở sản xuất, các công ty trong lĩnh vực sản xuất dược liệu, có như thế thì việc phát triển trồng các loại cây dược liệu sẽ tốt hơn và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là góp phần tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/ky-1-nhung-nguoi-che-bien-thao-duoc-tu-nong-san-58132.html