Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Phong Thổ đẩy mạnh phát triển kinh tế tổng hợp theo từng vùng. Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giảm nghèo, từng bước xây dựng huyện ngày một khởi sắc.
Nhìn lại chặng đường những ngày mới chia tách, huyện Phong Thổ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: không có cánh đồng lớn; hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, người dân chủ yếu tự cung, tự cấp và sản xuất 1 vụ, chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nên không mang lại giá trị kinh tế cao dẫn đến kém hiệu quả, kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao…
Sau 20 năm chia tách, đến nay bộ mặt nông thôn huyện ngày càng đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng, những con đường giao thông được đầu tư cứng hóa; những ngôi nhà xây, nhà sàn được xây dựng khang trang, kiên cố nổi bật giữa núi đồi biên giới. Người dân đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang tập trung có chuồng trại gắn với trồng cỏ… Có được những thay đổi đó là nhờ sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện và sự “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn của huyện, Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bảo đảm phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, trọng tâm là phát triển kinh tế theo từng vùng. Thông qua các chương trình, dự án, đề án của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp huyện xây dựng kế hoạch tập trung chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho sản phẩm có giá trị xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Để phát triển kinh tế khu vực các xã vùng thấp, huyện tập trung chỉ đạo nông dân sản xuất lúa đặc sản địa phương như: tẻ râu, nếp tan; phát triển các loại cây như: chè, chuối, hoa địa lan và phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại gắn với trồng cỏ. Chú trọng phục tráng một số giống lúa địa phương năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào gieo trồng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn có các sản phẩm từ lúa mang thương hiệu của địa phương như: Gạo tẻ râu Phong Thổ, nếp tan Bản Lang, Gạo lứt tẻ râu Sin Suối Hồ được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao.
Hiện, các xã vùng thấp của huyện có 682,79ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 100ha, tập trung chủ yếu tại xã Sin Suối Hồ. Từ chè đã tạo ra nhiều sản phẩm chè đặc sản, đặc biệt trong đó có Hồng trà Sin Suối Hồ được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao - đây là sản phẩm đạt OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh trong năm 2022. Đối với chuối - sản phẩm hàng năm được thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng với số lượng lớn, huyện chú trọng phát triển, hình thành vùng trồng chuối tập trung ở các xã: Huổi Luông, Ma Li Pho, Bản Lang... Hiện, toàn huyện có 2.700ha chuối cho sản phẩm với năng suất đạt 4,71 tấn/ha. Ngoài ra, các sản phẩm chuối đang được huyện phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như hỗ trợ dây chuyền sản xuất chuối sấy dẻo cho nhóm thanh niên trên địa bàn xã Khổng Lào, Bản Lang. Đồng thời, phát triển các mô hình trồng mía theo hình thức liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Đến nay, trên địa bàn có 105ha đất trồng mía, trong đó 64,5ha đã cho thu hoạch.
Anh Nguyễn Cảnh Đức - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tại các xã vùng cao, huyện vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao bằng việc phát triển cây dược liệu, chè cổ thụ, sâm, cây ăn quả ôn đới. Năm 2022, huyện triển khai trồng được 9,96ha sâm. Trên địa bàn có 8.000 gốc chè cổ thụ với các loại chè; trong đó, 3 sản phẩm: Hồng trà shan, Hoàng trà shan, trà xanh shan Mồ Sì San được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế thấp và đất hoang hóa, đất đồi dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: hỗ trợ cải tạo vườn tạp bằng cây xoài, lê và liên kết chuỗi đối với cây lê với diện tích 120ha tại các xã: Hoang Thèn, Dào San; rà soát đăng ký vùng trồng cây xoài tập trung với quy mô 70ha. Huyện cũng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiến hành khảo sát, đánh giá vùng trồng cây chanh leo, dứa; rà soát xây dựng liên kết chuỗi giá trị trồng và tiêu thụ lê trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, Dào San. Nhờ đó, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng theo từng năm. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện 3.809ha; diện tích cây ăn quả cho sản phẩm 3.064ha, năng suất đạt 5,34 tấn/ha.
Anh Hàng A Chứ (bản Dền Thàng B, xã Dào San) chia sẻ: Năm 2018, thông qua hỗ trợ của Nhà nước về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc lê, gia đình tôi đăng ký trồng. Nhờ hướng đi đúng đắn và sự tận tình hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, xã, trung bình mỗi năm vườn lê cho thu nhập từ 50-80 triệu đồng. Từ trồng lê, gia đình tôi có thêm việc làm, thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng chính mảnh đất quê hương.
Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực trong đẩy mạnh phát triển kinh tế tổng hợp theo từng vùng của huyện Phong Thổ đã và đang từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 35 lần so với năm 2002); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 4,5%. Đó là động lực để huyện biên giới Phong Thổ thực hiện có hiệu quả, bền vững các mục tiêu giảm nghèo, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.