Kinh nghiệm tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT tại trường vùng khó

Là trường vùng khó, đầu vào thấp, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) có những giải pháp đặc thù để bảo đảm chất lượng thi tốt nghiệp THPT.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn trong giờ học.

Điều chỉnh kế hoạch ôn tập sau các kỳ khảo sát

Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường có 203 học sinh lớp 12. Theo khảo sát, chỉ có 4 học sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại các em đều chọn tổ hợp Khoa học xã hội.

Cho đến nay, học sinh nhà trường tham gia 3 kỳ khảo sát (1 lần do trường tổ chức, 2 lần Sở GD&ĐT tổ chức). Kết quả các kỳ khảo sát cho thấy, trường chỉ có 68 học sinh đạt điểm đủ đỗ tốt nghiệp (chưa tính điểm trung bình lớp 12, điểm ưu tiên…); 49 học sinh có khả năng đỗ (nếu tính cộng điểm trung bình lớp 12, ưu tiên…). Điểm Toán với Tiếng Anh rất thấp, khoảng điểm chủ yếu từ 2-3. Các môn còn lại có nhiều học sinh đạt từ 5 trở lên, tuy nhiên các em vẫn học lệch, còn môn cao môn thấp.

Sau khi tổng hợp kết quả từ các kỳ khảo sát, trường đã tổ chức họp và điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Trong đó, phân lại lớp theo từng nhóm năng lực của học sinh (nhóm học lực tốt, có nguyện vọng xét ĐH-CĐ; nhóm học sinh có khả năng đỗ tốt nghiệp; nhóm học sinh học lệch, vẫn có điểm liệt; nhóm học sinh có khả năng trượt tốt nghiệp, các môn đều có điểm thi thấp).

Sau đó, giáo viên tổ chức họp phụ huynh, thông qua kết quả học sinh trong lớp, phối hợp với phụ huynh để quản lý học sinh đi học, yêu cầu học sinh đi học đầy đủ cả học chính, học ôn để đảm bảo giáo viên giảng dạy, ôn luyện theo đúng kế hoạch.

Giáo viên giảng dạy lớp ôn tập được lựa chọn, có kinh nghiệm trong ôn thi, có phương pháp truyền đạt được kiến thức đến học sinh, quản lý học sinh tốt trong giờ học.

“Hiện nay, từng nhóm đã tổ chức họp và có kế hoạch điều chỉnh giảng dạy của bộ môn. Nhóm trưởng chủ động tổng hợp đề thi thử của các trường, kiểm tra giáo án giảng dạy, ngân hàng câu hỏi theo chuyên đề và các đề luyện thi. Đồng thời, thống kê số học sinh yếu kém của môn mình để có biện pháp phụ đạo phù hợp; đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả chất lượng bộ môn”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.

Học sinh thi tốt nghiệp ThPT. Ảnh minh họa.

Phân luồng, chia nhóm học sinh ôn tập

Theo thầy Nguyễn Minh Đạo, việc tổ chức ôn tập cho từng nhóm học sinh theo lực học được nhà trường lưu ý hết sức cụ thể, chi tiết.

Theo đó, nhóm học sinh chỉ thi xét tốt nghiệp THPT, với các môn thi trắc nghiệm, giáo viên lựa chọn dạy lý thuyết và luyện đề phần nhận biết (chủ yếu) và phần thông hiểu.

Thầy cô tổng hợp theo dạng, theo chuyên đề. Mỗi chuyên đề sau khi giáo viên dạy học sinh công thức, các dữ kiện, mốc lịch sử, cách tra thông tin trên Atlat… thì sẽ thực hiện trình chiếu (sử dụng máy chiếu) hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về chuyên đề đó.

Giáo viên sẽ thực hiện làm mẫu một số câu để học sinh nắm được cách thức làm bài, sau đó chỉ vào từng câu cho cả lớp làm (khoảng 5 câu). Nhận thấy học sinh đã nắm được bài thì cho từng em lên làm bài (mỗi học sinh làm 2-3 câu). Giáo viên quan sát, kiểm tra, có nhận xét và hướng dẫn riêng đối với học sinh chưa nắm được kiến thức. Đảm bảo tất cả học sinh đều làm được mới chuyển sang phần mới. Trong khi dạy, giáo viên luôn song song cho học sinh luyện đề, làm đề tại nhà, có kiểm tra, đánh giá.

Với môn Toán, giáo viên lưu ý thêm việc hướng dẫn học sinh sử dụng máy tính thành thạo trong làm trắc nghiệm (có những câu chỉ sử dụng máy tính là tìm được đáp án).

Đối với nhóm học sinh có nguyện vọng sử dụng điểm thi để xét tuyển ĐH, CĐ, các em đã làm tốt các câu phần nhận biết, làm được trên 80% các câu phần thông hiểu và khoảng 30% phần vận dụng thấp (khoảng 7-8 điểm đối với các môn tự nhiên); các môn xã hội đã có học sinh đạt điểm 9.

Do đó, giáo viên ngoài củng cố, ôn tập và làm nhanh các câu phần nhận biết, yêu cầu học sinh làm các câu thông hiểu (đảm bảo học sinh nhớ kiến thức và luôn lấy điểm tối đa phần nhận biết, thông hiểu). Sau đó, thầy cô hướng dẫn học sinh làm các câu vận dụng thấp. Các em được làm đề riêng; có nhóm zalo riêng để thầy trò cùng trao đổi.

“Tóm lại, để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác ôn tập cho học sinh 12, việc đầu tiên cần tổ chức phân luồng, chia nhóm học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý các em đi học. Giáo viên bộ môn là người có kinh nghiệm trong ôn thi, có phương pháp truyền đạt kiến thức tốt. Sau khi có kết quả thi khảo sát, từng nhóm tổ chức họp và có kế hoạch điều chỉnh giảng dạy của bộ môn.

Nhà trường sẽ tổ chức ôn tập đến gần sát ngày thi tốt nghiệp THPT. Tùy từng nhóm học sinh được phân loại có thể thực hiện ôn tập thêm vào buổi chiều hoặc buổi tối. Buổi sáng, các lớp ôn tập trung theo thời khóa biểu”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-to-chuc-on-thi-tot-nghiep-thpt-tai-truong-vung-kho-post683046.html