Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của 56 tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản tại Nghệ An

Trong 56 tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật, có 33 tổ chức do Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra.

Đoàn kiểm tra định kỳ việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Nghệ An được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tại Quyết định số 901/QĐ-BTNMT ngày 5/4/2024; Trưởng đoàn là ông Nguyễn Tiến Phương - Phó trưởng phòng, Phòng Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Cục Khoáng sản Việt Nam.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Nghệ An. Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

 Cụm công nghiệp Thung Khuộc, nơi tập trung nhiều xưởng chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Cường

Cụm công nghiệp Thung Khuộc, nơi tập trung nhiều xưởng chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Cường

Đối tượng kiểm tra của Đoàn kiểm tra là 33 tổ chức/36 giấy phép hoạt động khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tại tỉnh Nghệ An. Thời kỳ kiểm tra từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 (trong trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo giai đoạn trước 2022).

Theo kế hoạch kiểm tra được Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 107/QĐ-KSVN ngày 15/4/2024, mục đích của việc kiểm tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản; chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản của các đơn vị hoạt động khoáng sản đã được cấp giấy phép vào nề nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhằm lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản.

Đánh giá những vấn đề còn tồn tại, bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật về khoáng sản cho phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao vai trò công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước nói chung.

Ngoài ra, còn nắm bắt những khó khăn, thuận lợi để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét về chủ trương, chính sách nhất là phục vụ cho việc đánh giá tác động việc thực hiện các chính sách, quy định của Luật Khoáng sản; Nghị định sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về các lĩnh vực có liên quan.

 Một vùng mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Một vùng mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Yêu cầu đặt ra với Đoàn kiểm tra là thực hiện công tác kiểm tra nhanh, gọn, đúng đối tượng, đúng nội dung và thời hạn theo quyết định kiểm tra; thu thập đầy đủ, có chất lượng các thông tin, tài liệu có liên quan đến cuộc kiểm tra; kết quả kiểm tra đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác; việc kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật được phát hiện qua quá trình kiểm tra đảm bảo nghiêm minh theo quy định của pháp luật; việc kiểm tra phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức được kiểm tra.

Về nội dung kiểm tra, Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; thông báo ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện; thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích được phép khai thác (nếu có). Thiết kế mỏ và văn bản thẩm định, phê duyệt để so sánh, đối chiếu tính phù hợp về công suất khai thác, các thông số kỹ thuật của hệ thống khai thác, trình tự khai thác, công nghệ khai thác,... so với những nội dung đã quy định trong dự án đầu tư khai thác, giấy phép khai thác khoáng sản. Việc nộp thiết kế mỏ cho cơ quan có thẩm quyền.

Báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê kiểm kê trữ lượng và bản đồ hiện trạng mỏ (kiểm tra, so sánh giữa sản lượng khai thác hàng năm so với công suất khai thác ghi trong giấy phép khai thác, kiểm tra các nghĩa vụ tài chính đơn vị đã thực hiện; kiểm tra các thông tin của bản đồ hiện trạng khu vực khai thác; kiểm tra mốc giới, vị trí, diện tích khu vực đã khai thác và so sánh với khu vực khai thác đã được cấp phép,...). Thông qua việc kiểm tra bản đồ hiện trạng mỏ để kiểm tra sự phù hợp giữa tiến độ xây dựng cơ bản mỏ so với thời gian xây dựng cơ bản mỏ quy định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản và thiết kế mỏ.

Hồ sơ giám đốc điều hành mỏ (quyết định bổ nhiệm, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của giám đốc điều hành mỏ, chứng chỉ bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp,...).

 Một khu vực mỏ khoáng sản trên địa bàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Một khu vực mỏ khoáng sản trên địa bàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và địa phương: Việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hoàn trả tiền sử dụng thông tin kết quả điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư (nếu có); thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo tài liệu do đơn vị cung cấp.

Kiểm tra việc thuê đất để hoạt động khoáng sản theo tài liệu do đơn vị hoạt động khoáng sản cung cấp. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực hoạt động khoáng sản của các đoàn kiểm tra các năm 2022, 2023…

Mới đây, ngày 17/5/2024, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 422/QĐ-UBND kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa địa bàn huyện Quỳ Hợp. Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn.

 Trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, còn tình trạng doanh nghiệp tổ chức xưởng chế biến khoáng sản nhưng nhiều năm chưa được thuê đất. Ảnh: Nhật Lân

Trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, còn tình trạng doanh nghiệp tổ chức xưởng chế biến khoáng sản nhưng nhiều năm chưa được thuê đất. Ảnh: Nhật Lân

Đối tượng kiểm tra gồm 23 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Nội dung kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành là kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, chấp hành thiết kế mỏ, an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế và pháp luật khác có liên quan của các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra; niên độ kiểm tra từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm kiểm tra.

Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật; có quyền yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan làm việc và cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan xử lý các vi phạm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý và kiến nghị UBND tỉnh giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền.

Nhật Lân

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/kiem-tra-viec-chap-hanh-quy-dinh-phap-luat-cua-56-to-chuc-hoat-dong-khai-thac-khoang-san-tai-nghe-an-post289753.html