Kiểm soát lạm phát, tỷ giá, không để xảy ra các cú sốc

Trước tình hình tỷ giá tăng cao, dự báo còn chịu áp lực tăng trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiểm soát lạm phát, tỷ giá, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Tăng trưởng 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức lớn cho kế hoạch 5 năm

Đánh giá về tình hình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu NSNN, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, tình hình KTXH năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện. “Tăng trưởng kinh tế 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Cùng với đó, chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 không đạt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh (chỉ tăng 3,62%, thấp nhất giai đoạn 2011-2023) và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Đầu tư tư nhân giảm tốc đáng kể so với giai đoạn trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, doanh nghiệp đang đối mặt một số khó khăn, vướng mắc về vấn đề phòng cháy, chữa cháy.

Cụ thể, hiệp hội cho rằng, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP là quá cao, chưa phù hợp, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thông tư số 06/2022/TT-BXD ban hành Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về an toàn cháy, tại Bảng 6 có quy định phân nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng quy chuẩn, một số công trình bệnh viện được xếp vào nhóm EL.1, với chiều cao tối đa công trình là 9 tầng (28 m), quy định này gây khó khăn và không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vì để tăng hiệu năng sử dụng đất thì tăng chiều cao các công trình này.

Đối với tình hình năm 2024, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được, đồng thời cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Trước hết là tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%...

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp). Chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường, trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số địa phương còn chậm. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đến nay mới có 29/63 UBND tỉnh công bố 69 dự án tham gia chương trình vốn tín dụng cho nhà ở xã hội, nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, tổng nhu cầu vay vốn là hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà tại 3 dự án.

Về thị trường bất động sản, dù đã có tín hiệu phục hồi nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm,…

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Chống tham nhũng, tiêu cực ở các cơ chế đặc thù cho các dự án quan trọng

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô những tháng còn lại của năm 2024.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đó là tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Kể từ đầu năm, tỷ giá đã tăng cao ngoài dự báo, thậm chí có thời điểm đã vượt 25 nghìn đồng/USD và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị phải có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là di dời đường điện cao thế, tình trạng thiếu hụt đất đắp, cát san nền; triển khai hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực các cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Liên quan đến công tác pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết Quốc hội đã ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-lam-phat-ty-gia-khong-de-xay-ra-cac-cu-soc-151162.html