Khủng hoảng năng lượng: Châu Âu 'ghi điểm' về dự trữ khí đốt; EU không 'hứng thú' về thỏa thuận với Nga

Các cơ sở dự trữ khí đốt trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã đạt 62% công suất tính đến ngày 5/3, cao hơn so với mức 41% cùng thời điểm này từ năm 2011 đến năm 2020.

Dự trữ khí đốt của châu Âu cao kỷ lục. (Nguồn: AFP)

Tình hình nguồn cung tại châu Âu hiện đã thay đổi so với hai năm trước, khi các thương nhân và nhà hoạch định chính sách lo lắng về khả năng thiếu khí đốt sau khi xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Lượng khí đốt dự trữ hiện đã lên tới 707 terawatt giờ (TWh), tăng 277 TWh so với mức trung bình theo mùa của 10 năm trước.

Cho đến thời điểm hiện tại, lượng nhiên liệu tiêu thụ để sưởi ấm ở châu Âu đã giảm 14% so với mức trung bình dài hạn ở London (Anh) và giảm 25% so với mức trung bình tại Frankfurt (Đức).

Nhiệt độ ở khu vực Tây Bắc châu Âu đã ấm dần lên nên bất kỳ đợt lạnh nào cũng khó có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể vào thời điểm này. Đây là mùa Đông ôn hòa thứ hai liên tiếp của khu vực này.

Kể từ tháng 10/2023, giá khí đốt giao kỳ hạn đã giảm đều đặn nhằm khuyến khích mức tiêu thụ nhiều hơn và hạn chế hàng tồn đọng.

Giá khí đốt giao kỳ hạn được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm xuống mức trung bình chỉ 26 euro (28,40 USD) mỗi megawatt giờ trong tháng 2/2024, giảm từ mức 46 Euro vào tháng 10/2023 và mức kỷ lục 245 Euro hồi tháng 8/2022.

* Thời gian tới, EU có thể sẽ nhận ít khí đốt của Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận khi hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Năm 2019, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua hệ thống đường ống kéo dài 5 năm.

Cả hai nước vẫn tiếp tục tôn trọng thỏa thuận này bất chấp hai năm căng thẳng nổ ra ở Ukraine.

Người phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đã chỉ ra rằng, khối này cũng không “hứng thú” với việc thúc đẩy gia hạn thỏa thuận này.

EU đang cảnh báo các nước thành viên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Khí đốt của Kiev chiếm 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối.

Nhà phân tích cấp cao Aura Sabadus tại công ty tình báo thị trường ICIS, nói với tờ Politico rằng Áo, Hungary và Slovakia có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi cắt giảm nhập khẩu.

Một kịch bản như trên xảy ra có thể sẽ gây ra một đợt tăng giá khí đốt khác, sau đợt giá cao kỷ lục ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do quyết định gần đây của Đức, trong đó nước này đơn phương đánh thuế xuất khẩu khí đốt, khiến các nước này gặp khó khăn hơn trong việc đổi hàng nhập khẩu của Nga lấy nguồn cung cấp qua Đức, Italy hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-chau-au-ghi-diem-ve-du-tru-khi-dot-eu-khong-hung-thu-ve-thoa-thuan-voi-nga-263565.html